Tuyến đường nông thôn mới huyện Ninh Hải xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Văn Nỷ
Phát huy hiệu quả các chương trình
Thực hiện các chương trình MTQG, thời gian qua các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống người nghèo, như: Chính sách đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất (phê duyệt 144 dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất cộng đồng, với hơn 680 hộ tham gia); hỗ trợ nhà ở cho 507 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện: Ninh Sơn 176 căn, Bác Ái 331 căn; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tạo mặt bằng để cấp đất ở cho 608 hộ thiếu đất; chuyển đổi nghề cho 906 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 61 hộ và đầu tư 8 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 1.562 hộ DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư 11 công trình các trường phổ thông dân tộc nội trú để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS; đầu tư 28 công trình thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng DTTS; cho vay các chương trình tín dụng của Chính phủ, với tổng dự nợ đến nay hơn 47,3 tỷ đồng/940 hộ, trong đó cho vay chuyển đổi nghề 37,18 tỷ đồng/640 hộ, cho vay hỗ trợ về nhà ở là 10,18 tỷ đồng/300 hộ... Qua đó, 3 chương trình MTQG đã góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 4,21%; hộ nghèo DTTS còn 13,04%; riêng huyện nghèo Bác Ái, tỷ lệ hộ nghèo còn 28,45% (giảm 6,35%). Đối với xã bãi ngang (Phước Dinh), số hộ nghèo còn 176/426 nhân khẩu, chiếm 5,1%. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 32,4 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh hiện có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 79 thôn NTM, trong đó có 6 thôn NTM kiểu mẫu; giải ngân vốn 3 chương trình MTQG cũng đạt khá cao. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 17,46% cao hơn bình quân cả nước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái; trong đó vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đạt khá cao, hơn gấp đôi mức bình quân cả nước (đạt 22%).
Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Các Chương trình MTQG được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Hạ tầng KT-XH vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; tạo điều kiện cho người dân có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tăng thu nhập. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện.
Nhờ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình chị Mang Thị Gái, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Kim Thùy
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Thực hiện các chương trình MTQG năm 2024, trung ương đã giao tổng nguồn vốn thực hiện các trên địa bàn tỉnh 776,96 tỷ đồng; trong đó chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 196,94 tỷ đồng; chương trình MTQG xây dựng NTM 220,39 tỷ đồng và chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi 359,63 tỷ đồng. Trong thời gian tới, các sở, ngành địa phương đang quyết liệt các giải pháp và nỗ lực thúc đẩy tiến độ giải ngân kế hoạch vốn các chương trình MTQG, phấn đấu đến ngày 31/1/2025 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn năm 2024. Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp tỉnh; cấp huyện, 3 cơ quan chủ quản chương trình thường xuyên tổ chức họp giao ban hằng tuần, hằng tháng với các địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; xác định đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn 3 chương trình MTQG là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai thực hiện ngay các cơ chế, chính sách đặc thù nêu tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình MTQG.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương có liên quan rà soát các nhiệm vụ được giao để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG theo kế hoạch UBND tỉnh giao. Đối với các địa phương phải nâng cao tính chủ động hơn nữa trong thực hiện các chương trình MTQG. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát; rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án, giao vốn, đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh lý, quyết toán... đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Anh Tuấn