Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển thuộc Bộ KH&ĐT và lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Đề án phát triển KTBĐ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nội dung chính đề án gồm 3 phần: Đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển KTBĐ; định hướng phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh và giải pháp tổ chức thực hiện, bao gồm các hoạt động như cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm; lưu trú, nghĩ dưỡng, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, vận chuyển hành khách... Qua đó, nhằm thúc đẩy ngành thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến nhu cầu tổng vốn đầu tư cho các công trình, dự án và các hoạt động khác để phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 2.550 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất nội dung, mục tiêu triển khai thực hiện của đề án; đồng thời, tập trung thảo luận, đề xuất bổ sung một số nội dung trong đề án như: Cần kéo dài lộ trình thực hiện, dự báo tác động về hiệu quả kinh tế, xã hội cũng như các vấn đề không gian, phạm vi diễn ra hoạt động KTBĐ; điều kiện kinh doanh, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các sở, ngành, doanh nghiệp. Đồng chí nhấn mạnh, đây là đề án có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển KTBĐ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề nghị Sở KH&ĐT và đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, tổ chức khảo sát, đánh giá, phân tích kỹ những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các vùng đồng bào dân tộc, sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Trên cơ sở đó, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư. Cùng với đó, cần lưu ý tính toán quy hoạch bài bản, có lộ trình thực hiện cụ thể, nhất là khả năng cân đối cũng như vận động nguồn lực đầu tư xây dựng cho từng giai đoạn. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung hoàn thiện nội dung đề án đảm bảo tính khả thi để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt.
Hồng Lâm