Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ năm 2024

Ngày 12/4/2024, Ban Chỉ đạo Đề án 938 tỉnh ban hành Kế hoạch số 6191/KH-BCĐ về triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” năm 2024, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích:

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các thành viên BCĐ trong việc triển khai thực hiện các hoạt động nhằm góp phần đạt được các mục tiêu của Đề án.

- Tiếp tục phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Yêu cầu:

- Các sở, ban, ngành, hội đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nội dung liên quan đạt hiệu quả.

- Hoạt động của Đề án 938 phải đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt, tạo được sự lan tỏa trong việc vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.

II. Chủ đề năm 2024: Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em (bao gồm cả phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em).

III. Nội dung hoạt động

1. Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ:

- Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em; cung cấp kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về xây dựng gia đình, vun đắp các giá trị gia đình Việt Nam; chăm sóc, bảo vệ trẻ em; vận động cha mẹ quan tâm không để con em bỏ học giữa chừng; phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; kiến thức về an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; an toàn trên không gian mạng…

Các bà mẹ quan tâm chăm sóc, đưa các con đi trải nghiệm để góp phần nâng cao nhận thức và vun đắp tình cảm gia đình. Ảnh: Văn Nỷ

- Đa dạng hoá nội dung, hình thức, kênh truyền thông, giáo dục, vận động, phù hợp với từng nhóm đối tượng triển khai. Tăng thời lượng và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về các hoạt động của Đề án 938 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng các thông tin chuyên đề, các sản phẩm đặc thù thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các bậc phụ huynh về phòng, chống bạo lực giới/bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bỏ học giữa chừng phù hợp với các nhóm đối tượng.

2. Xây dựng các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan:

- Rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động các mô hình/câu lạc bộ thuộc Đề án. Mỗi cơ sở Hội LHPN tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời phát huy vai trò tích cực của các thành viên khi tham gia mô hình.

- Tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ, hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình tại cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” để bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình tại địa phương.

- Tiếp tục tập trung hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 (mồ côi cả cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ…) đến khi các con đủ 18 tuổi. Tùy điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi nói chung (hoàn cảnh gia đình/hoặc gia đình người chăm sóc thay thế thuộc hộ nghèo); trẻ em không nơi nương tựa/không có người nuôi dưỡng do những nguyên nhân khác (cha mẹ, người đang nuôi dưỡng mất khả năng lao động/hoặc đang trong thời gian chấp hành án phạt tù…).

- Tiếp tục phát hiện, giới thiệu các mô hình, điển hình, cách làm hiệu quả trong hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ để truyền thông, nhân rộng trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận, trang thông tin điện tử/Facebook/Zalo của Hội, các ngành, địa phương và hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Duy trì mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; mô hình phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống rác thải nhựa…

3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan:

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật thông tin cho đội ngũ giảng viên nguồn, cán bộ tham gia triển khai thực hiện Đề án các nội dung về giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em; an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, giáo dục phẩm chất đạo đức, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và phòng chống các loại dịch bệnh...

- Nâng cao kiến thức, kỹ năng điều hành sinh hoạt của Ban quản lý mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng; cung cấp kiến thức, kỹ năng về tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em cho các tình nguyện viên trong tỉnh.

- Xây dựng các thông tin chuyên đề, các sản phẩm đặc thù về rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ, phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình phù hợp với các nhóm đối tượng.

4. Nghiên cứu, đề xuất chính sách; giám sát việc thực thi pháp luật về các chủ đề của Đề án:

- Phát huy vai trò của các sở, ngành, đơn vị liên quan và hội viên, phụ nữ trong giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc và giáo dục trẻ em, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

- Theo dõi, nắm bắt tổng hợp số liệu tình hình phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực giới, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để can thiệp, xử lý, đồng thời phục vụ cho hoạt động vận động chính sách.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án:

- Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án tại các địa phương.

- Giao Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Đề án 938 năm 2024; chuẩn bị nội dung triển khai các hoạt động năm 2025.

6. Tăng cường hợp tác vận động nguồn lực:

Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án; vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để triển khai các hoạt động của Đề án một cách hiệu quả.

IV. Các hoạt động cấp tỉnh

1. Tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em

- Thành phần: 120 người, gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên BCĐ 938 của tỉnh, đại diện BCĐ các huyện, thành phố; Hội LHPN các huyện, thành phố, Hội Phụ nữ Công an, Quân sự, Biên phòng và hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi (100 đại biểu không hưởng lương).

- Thời gian: Dự kiến tháng 6 năm 2024 (sẽ có Giấy mời cụ thể).

2. Hội nghị truyền thông tại cộng đồng

- Nội dung: Truyền thông các kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; kiến thức về an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; an toàn trên không gian mạng…

- Đối tượng: Hội viên, phụ nữ có con dưới 16 tuổi.

- Số lượng: 7 buổi, 50 người/buổi.

- Thời gian: quý III/2024

- Đia điểm: Tại các huyện, thành phố.

3. Tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 354/KH-UBND, ngày 24/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018-2027”.

V. Kinh phí thực hiện

- Ngân sách tỉnh: Đã được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước đã được giao trong dự toán năm 2024 cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tại Quyết định số 704/QĐ-UBND ngày 14/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

- Ngân sách huyện, thành phố: Bố trí cân đối ngân sách huyện, thành phố để thực hiện Đề án

VI. Tổ chức thực hiện

1. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo)

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động tại Mục IV của kế hoạch này.

- Triển khai lồng ghép các hoạt động của Đề án với các chương trình, đề án, dự án đang được các cấp Hội triển khai. Đồng thời, huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để triển khai Đề án theo quy định.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình địa chỉ tin cậy nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới, bạo lực gia đình, xâm hại.

- Báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm 2024 cho UBND tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

2. Các sở, ngành, đơn vị thành viên Ban chỉ đạo: Trên cơ sở nội dung kế hoạch này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao, các sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm:

- Thực hiện các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 354/KH-UBND ngày 24/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2027.

- Phối hợp với Hội LHPN tỉnh thực hiện các nội dung hoạt động trong Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ tổ chức triển khai Kế hoạch tại địa phương.

- Tạo điều kiện, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án liên quan của cơ quan, đơn vị để thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch tại cơ quan, đơn vị.

- Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho Hội LHPN tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện Đề án trên cơ sở kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án 938 tỉnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo hiệu quả. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại địa phương.

- Cân đối, bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm theo quy định để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2024, các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm 2024 về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Hội LHPN tỉnh) trước ngày 20/11/2024 để tổng hợp theo quy định./.