Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án chống hạn

Ninh Thuận là tỉnh có khí hậu khô nóng, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước, nhất là vào mùa khô. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chống hạn và chống biến đối khí hậu trên địa bàn.

Dự án hồ chứa nước Sông Than được triển khai từ năm 2018, dự kiến hoàn thành trong năm 2024, có tổng mức đầu tư 1.040,6 tỷ đồng, đến nay dự án đã đạt gần 90% khối lượng thực hiện các hạng mục xây lắp. Trong số 5 gói thầu liên quan của dự án, hiện mới chỉ có 2 gói thầu phụ số 25 và 45 (phát dọn vệ sinh lòng hồ và đường vào khu sản xuất cho người dân) đã hoàn thành. Còn lại 3 gói thầu (số 22, 23, 42) về đắp đập đất, đập bê tông, hệ thống quản lý vận hành; các đập phụ 1 và 2, kênh thông hồ, đường, nhà quản lý; hệ thống điện chiếu sáng và xi lanh chỉ mới đạt trên 80% khối lượng; có hạng mục chưa thể thi công...

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Do không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu nên chủ đầu tư đã buộc phải chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đức An, thay thế bằng nhà thầu Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây lắp 368. Đối với gói thầu do nhà thầu Cường Thịnh Thi gặp khó khăn về tài chính nên thi công không đạt khối lượng cam kết. Gần đây, đơn vị này đã tăng tốc đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn chưa đảm bảo. Việc chậm hạng mục này đã kéo theo các hạng mục khác chưa thể triển khai các bước hoàn thiện. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện còn vướng 7 hộ dân có đất nằm trong khu vực lòng hồ chưa nhận tiền bồi thường, đang được chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bàn giao mặt bằng.

Hồ chứa nước Sông Than. Ảnh: Anh Tuấn

Cùng khó khăn về công tác GPMB, các dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán tỉnh Ninh Thuận (ADB8) về triển khai xây dựng hệ thống đường ống tưới và thiết bị phân phối nước từ Tân Mỹ về phục vụ nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn - Phước Nhơn và Nhơn Hải - Thanh Hải, tổng chiều dài gần 50km phục vụ tưới cho 1.800ha; tổng mức đầu tư trên 832,8 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á triển khai từ năm 2018-2025, nhưng tiến độ thi công mới đạt dưới 35%, có hạng mục mới đạt 12%. Khó khăn chủ yếu vẫn do công tác thu hồi, đền bù và GPMB. Theo đơn vị chủ đầu tư: Dự án đi qua 9 xã của 4 huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và Thuận Bắc với diện tích thu hồi tuy không lớn (khoảng 70ha) nhưng số hộ bị ảnh hưởng lên đến 833 hộ, nên hiện mới thu hồi được gần 30% diện tích. Cùng với đó, hiện nay UBND các huyện đang vướng thời hạn hiệu lực của hệ số giá đất cụ thể dùng để xây dựng, phê duyệt giá đất bồi thường.

Hay dự án đầu tư hoàn chỉnh kênh đường ống cấp II và kênh cấp III thuộc hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ với 361 tuyến kênh dài hơn 139km phục vụ tưới cho gần 3.000ha. Triển khai từ năm 2022 đến 2025 với 3 gói thầu xây lắp trị giá gần 150 tỷ đồng cũng đang gặp khó khăn về thu hồi đất bởi diện tích trải dài qua nhiều tuyến, nhiều địa phương, thời gian kéo dài, cần phải đẩy nhanh công tác bồi thường để có mặt bằng thi công.

Dự án thu trữ nước dưới đất để phát triển nông, lâm nghiệp nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh bền vững trên vùng đất khô hạn ven biển tại Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) và xã Phước Hải (Ninh Phước) có tổng mức đầu tư 99,342 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến 2024 đến nay cơ bản đã hoàn thành hạng mục xây lắp, tiến hành bàn giao cho các địa phương đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hạng mục trồng 60ha rừng (neem, trôm) khu vực thượng lưu và trồng 140ha cây ăn quả (mãng cầu, xoài, điều) tạo sinh kế cho 2.176 hộ/10.900 nhân khẩu vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa triển khai. Quá trình triển khai tại huyện Thuận Bắc các hộ dân kiến nghị chuyển đổi trồng giống cây trồng khác thay thế trồng cây theo dự án được duyệt. Còn tại xã Phước Hải do phần lớn hộ dân vùng dự án thuộc đồi cát Phước Hải chưa tìm ra chủ sử dụng đất với diện tích lớn, chủ yếu đã mua đất, đi làm ăn xa nên cần phải rà soát, quy chủ và vận động người dân triển khai các hạng mục trồng cây theo dự án được duyệt.

Nhằm đôn đốc đẩy nhanh thi công các dự án còn vướng mắc để đảm bảo tiến độ giải ngân, sớm đưa vào vận hành thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương nhất là đơn vị chủ đầu tư thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chủ động tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với điều kiện khí hậu khô hạn của tỉnh, đây là những dự án có tầm quan trọng cho phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề nghị Ban Quản lý dự án cần chủ động trong công tác phối hợp đảm bảo chặt chẽ thống nhất với các sở, ngành, đơn vị, địa phương để tháo gỡ khó khăn triển khai, thực hiện dự án, nhất là công tác GPMB. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc thẩm định ban hành giá đất để áp giá bồi thường. Đề nghị các ngành, địa phương rà soát kế hoạch sử dụng đất, hồ sơ thu hồi đất đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đầy đủ, tránh bổ sung điều chỉnh hồ sơ thu hồi đất nhiều lần; vận động người dân sớm giao đất thực hiện dự án; các sở, ngành, địa phương liên quan phát huy vai trò trách nhiệm cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cùng chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.