Một trong những việc làm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) đó là tỉnh đã chú trọng tổ chức hội nghị gặp mặt DN định kỳ để cùng với các DN trao đổi, nhìn nhận đánh giá chất lượng điều hành KT-XH của tỉnh, các sở, ngành, địa phương; lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN; chủ động hỗ trợ DN giải quyết các thủ tục về đầu tư. Đặc biệt với việc thành lập của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (gọi tắt là Trung tâm) thực hiện mô hình mới với sự kết hợp của 3 chức năng xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, làm đầu mối để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các DN; đồng thời phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; tiến hành các hoạt động chương trình xúc tiến đầu tư, tham mưu tổ chức thành công các hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, ký kết hợp tác với các tỉnh...
Thời gian qua, tỉnh cũng đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với cảng tổng hợp Cà Ná, các tuyến kết nối với cao tốc Bắc - Nam, các tuyến liên kết vùng, trục hành lang, đường nội thị nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi cho việc thông thương trong tỉnh và khu vực, nhất là khi cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hải sắp tới sẽ đưa vào vận hành khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển của phương tiện từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam đến tỉnh và ngược lại. Cùng với đó, hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng được tỉnh chú trọng đầu tư, đảm bảo các điều kiện để thu hút nhà đầu tư thứ cấp, chủ động đón đầu dòng chảy đầu tư đang dịch chuyển đến các địa phương.
Sản xuất thú nhồi bông của Công ty TNHH Innoflow NT tại Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Nỷ
Trong năm 2023, trong điều kiện tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các DN gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư triển khai dự án, như thủ tục đầu tư, đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng.., nhất là các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, kinh doanh bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao. Tính đến cuối năm 2023, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 58 dự án/3.033,4 tỷ đồng, trong đó quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 14 dự án/780,23 tỷ đồng; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư) cho 2 dự án/170 tỷ đồng; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 42 dự án với tổng vốn tăng thêm 2.083,2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn tăng thêm 349 tỷ đồng. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 13 DN thành lập mới, 32 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đang hoạt động đến ngày 20/2/2024 có 4.361 DN, với tổng nguồn vốn đăng ký 90.776 tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tỉnh đã có Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; ngay sau kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Hiện nay tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo triển khai chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư (dự kiến trong tháng 3/2024), làm cơ sở để triển khai thu hút đầu tư các dự án phát triển KT-XH theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt vào ca sản xuất. Ảnh: U.Thu
Năm 2024, tỉnh xác định tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư là một trong 3 khâu đột phá quan trọng; lấy DN là trung tâm, là động lực và mục tiêu cho sự phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường; có giải pháp tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, lực lượng lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh cho DN. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tối ưu hóa các quy trình, thủ tục hành chính liên ngành. Duy trì đối thoại DN thường xuyên và chuyên đề để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN.
Tiếp tục tăng cường giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư và mời gọi các DN đầu tư vào địa bàn tỉnh; kết nối DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn, tổng công ty có tiềm lực tài chính và năng lực, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực để kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các thành phố tiềm năng khác có ký kết chương trình liên kết hợp tác với tỉnh để triển khai các chương trình hợp tác, tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực; đồng thời tiếp tục tham gia các sự kiện lớn, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối DN tại nước ngoài (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ...) do các bộ, ngành trung ương chủ trì tổ chức nhằm quảng bá, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh.
Anh Tuấn