Ngành Y tế vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Trong thư, Bác đã gợi ý phương châm, nguyên tắc hành động cần phải tuân thủ trong quá trình xây dựng và phát triển ngành, định hướng đối với công tác quản lý ngành Y tế. Thực hiện lời dạy của Bác, từ đó đến nay đã có biết bao thế hệ thầy thuốc cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cùng với cả nước, trong năm 2023 ngành Y tế tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, diễn biến phức tạp; nhiều vấn đề mới phát sinh như tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế... Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, tinh thần “Lương y như từ mẫu”, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác y tế dự phòng được quan tâm thực hiện tốt. Ứng phó với tình hình các dịch bệnh phức tạp, trong đó, đáng chú ý dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... tăng cao, nhưng hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tăng cường giám sát, đảm bảo khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận kỹ thuật nội soi tán sỏi thận bằng ống soi mềm từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
và Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Uyên Thu

Công tác y tế - dân số đạt và vượt chỉ tiêu giao. Tỉnh đã duy trì mức sinh thay thế 2,13 con/phụ nữ; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12,3%; đạt 10,6 bác sĩ/vạn dân; 94,9 trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc; hiện có 96,9% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Chất lượng khám, điều trị của các cơ sở y tế ngày càng được nâng cao. Ngành đã tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, đồng thời các đơn vị y tế tư nhân cũng tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị, đào tạo nhân lực, triển khai hàng loạt kỹ thuật mới, chuyên sâu phục vụ tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Điển hình như Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh được xây mới với quy mô 100 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây mới Khoa Truyền nhiễm với quy mô 50 giường bệnh, thiết kế phù hợp đảm bảo công tác cách ly, điều trị dịch bệnh, tạo cơ sở hạ tầng liên hoàn, thiết bị y tế hiện đại phù hợp với mô hình bệnh tật của địa phương; 7/7 trung tâm y tế huyện, thành phố, 59/59 trạm y tế xã được đầu tư thêm trang thiết bị văn phòng, y tế bảo đảm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài ra, Trường Trung cấp Y tế cũng đã bảo vệ thành công Đề án nâng cấp lên thành trường cao đẳng cấp bộ. Đây chính là yếu tốt góp phần quan trọng giúp ngành tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đảm bảo 100% nhân viên y tế được chuẩn hóa đạt trình độ cao đẳng trở lên theo quy định của Bộ Y tế.

Riêng đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn phát huy tốt vai trò đơn vị y tế tuyến đầu, không ngừng nỗ lực, tích cực hợp tác với các chuyên gia quốc tế, các bệnh viện tuyến trên để tiếp nhận nhiều gói kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Năm 2023, bệnh viện đã thực hiện được 37 kỹ thuật mới, trong đó có nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao như: Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não; nội soi mật tụy ngược dòng can thiệp - nong đường mật bằng bóng; phẫu thuật nội soi cắt túi mật; phẫu thuật nội soi cắt nang thận sau phúc mạc; tán sỏi thận qua da có C.ARM... Đặc biệt là thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa JA Hokkaido Asahikawa Kosei, Nhật Bản đã hỗ trợ cho ekip Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện can thiệp 5 bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến tim mạch khó thực hiện như: Bệnh tắc hoàn toàn động mạch vành mạn tính, nguy cơ cao; đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhiều nhánh, tắc hoàn toàn động mạch vành; nhồi máu cơ tim cũ, sang thương mạch vành phức tạp...

Không chỉ đầu tư về chuyên môn, ngành đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, rèn luyện y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, chất lượng phục vụ cho toàn thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế hướng đến sự hài lòng người bệnh, tạo niềm tin đối với nhân dân. Ngoài ra, ngành cũng tập trung thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, triển khai nhiều tiện ích công nghệ như: Bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, khám bệnh bằng căn cước công dân gắn chip... giúp người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế tốt nhất, tiện ích nhất. Chỉ số hài lòng của người bệnh năm 2023 tăng lên, đạt hơn 95%.

Trạm Y tế phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được tăng cường bác sĩ
về khám điều trị bệnh cho người dân. Ảnh: Uyên Thu

Năm 2024 là năm “tăng tốc” hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV của tỉnh, nhiệm vụ của ngành Y tế tỉnh nhà cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, đặc biệt đạo đức nghề nghiệp “Lương y như từ mẫu” để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ngành tiếp tục quán triệt phương châm hành động năm 2024 của tỉnh “Đoàn kết kỷ cương, chủ động linh hoạt, tăng tốc hiệu quả” phấn đấu hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Phấn đấu trên 98% số xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đạt 31,6 giường bệnh/vạn dân; có 10,8 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 96%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 12%; duy trì mức sinh thay thế từ 2-2,2 con/phụ nữ.

Tham mưu cho tỉnh một số cơ chế, chính sách quan trọng như: Hỗ trợ đào tạo bác sĩ tuyến y tế cơ sở và chuyên ngành hiếm ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh... làm cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành. Đồng thời tham mưu đẩy nhanh thực hiện các dự án, đề án xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế: Nâng cao năng lực Phòng Thí nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm, Thực phẩm và Thiết bị y tế; thành lập Trường Cao đẳng Y tế Ninh Thuận; phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh hạng I giai đoạn 2021-2025; đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện chuyên khoa Da liễu - Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi...

Sắp xếp tổ chức bộ máy và kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế, ổn định tổ chức, bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện và y tế dự phòng theo tiêu chí của Bộ Y tế; phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án khám, chữa bệnh từ xa, Đề án 1816 của Bộ Y tế.

Đẩy mạnh Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch xây dựng nền tảng số, hoàn thiện và phát triển dịch vụ y tế thông minh phổ cập đến cấp cơ sở, đảm bảo điều kiện tham gia vào mạng lưới y tế thông minh toàn quốc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2023-2025.