Đặc sắc Lễ hội đua thuyền rồng của ngư dân vùng biển

Cứ vào mùng 3 âm lịch hằng năm, hàng ngàn người dân và du khách trong và ngoài tỉnh tụ hội về làng biển Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) để xem, cổ vũ sôi động Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống đặc sắc có từ lâu đời của ngư dân vùng biển. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 gắn với hoạt động cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ngư dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đồng chí Dương Thị Mỹ Diễm, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phước Diêm, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống năm 2024 cho biết, để tổ chức lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc truyền thống của ngư dân vùng biển, chính quyền địa phương 2 xã Phước Diêm và Cà Ná đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, ban hành điều lệ, thể lệ thi đấu, tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát triển lễ hội đặc sắc ở địa phương. Đồng thời, phân công các lực lượng, đoàn thể tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, tăng cường thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, trang trí, dựng rạp lễ đài thông thoáng trang nghiêm và tiết kiệm.

Đông đảo người dân và du khách đến cổ vũ các đội đua.

Bên cạnh đó, trước khi hoạt động đua thuyền rồng truyền thống theo phong tục của ngư dân vùng biển diễn ra sôi động, ông Nguyễn Văn Giỏi, Trưởng ban Nghi lễ lăng Vạn Lạch Cà Ná chia sẻ thêm, từ sáng sớm mùng 3 âm lịch, các thành viên, bậc cao niên có uy tín trong làng đã tập trung về lăng Vạn lạch chuẩn bị chu đáo hương đèn, hoa quả, các thủ tục, nghi lễ thờ cúng trang nghiêm, biểu diễn lân sư rồng để thành kính dâng lên các vị thần, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền hiền và xin phép khai cửa lạch nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và ngư dân xuất hành đầu năm với nhiều lộc biển, cá tôm đầy khoang, mọi nhà đều có cuộc sống an lành, sung túc, hạnh phúc trong năm mới.

Các bậc cao niên có uy tín làm lễ khai cửa biển đầu năm 2024 tại lăng Vạn Lạch.

Sau đó, đúng 12 giờ trưa (giờ Ngọ), Ban hương lễ tiến hành cúng tại Lễ đài đua thuyền rồng tại bờ kè Phước Diêm-Cà Ná. Ban tổ chức cắm phao tiêu để định vị đường đua cho các đội thuyền tranh tài, đánh trống khai hội để các đội đua thuyền chèo ra biển hầu nghinh Ông; đồng thời tổ chức biểu diễn 9 tiết mục văn nghệ múa, hát tạo không khí sôi động để thu hút hàng ngàn người dân và du khách tụ hội về đây cổ vũ trước khi các đội thuyền thi đấu. Khi giờ lành đã đến, Ban tổ chức cho các đội trưởng bốc thăm chọn vị trí vòng đua đầu tiên và chờ lệnh xuất phát từ bông tiêu phía Tây tiến về phía Đông, chèo vòng qua trái rồi về lại điểm xuất phát.

Đúng 15 giờ, 4 đội đua thuyền gồm Lạc Tân 1, Lạc Tân 2-3 (xã Phước Diêm), Lạc Nghiệp và Lạc Sơn (Cà Ná) vào vị trí chính thức tranh tài kịch tính. Mỗi đội có 18 thuyền viên được tuyển chọn là những thanh niên khỏe mạnh, có kỹ năng, vững tay chèo để tranh tài 4 lượt đua, mỗi lượt 500m. Trong thời gian đua thuyền, hàng ngàn người dân và du khách chứng kiến các đội tranh tài trên tinh thần thượng võ, phối hợp chèo đồng điệu đẹp mắt, thể hiện sức mạnh cường tráng của ngư dân vùng biển để điều khiển con thuyền lướt sóng nhanh về đích; cùng với tiếng trống, reo hò, cổ vũ nhiệt tình của người xem đã tạo không khí rất sôi động, náo nhiệt cả vùng biển. Sau 4 lượt tranh tài hấp dẫn của các tay chèo, kết quả năm nay, đội thuyền thôn Lạc Tân 1 và Lạc Sơn đoạt Giải nhất; Lạc Nghiệp đoạt Giải nhì; Lạc Tân 2-3 đoạt Giải ba.

Các đội đua thuyền rồng của ngư dân Phước Diêm và Cà Ná tranh tài quyết liệt.

Trong thời gian tới, chính quyền và Nhân dân địa phương mong muốn, lãnh đạo huyện và tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp lễ hội đua thuyền rồng truyền thống của ngư dân vùng biển lên quy mô cấp huyện hoặc tỉnh nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa đặc sắc của ngư dân vùng biển; tạo sân chơi bổ ích, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lao động, sản xuất, khai thác hải sản xa bờ, tăng cường tinh thần đoàn kết tình làng, nghĩa xóm của ngư dân nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; đồng thời từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần gắn với hoạt động phát triển du lịch biển để tương xứng với sự phát triển của khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đang hình thành trong tương lai và hòa chung vào Lễ hội cầu ngư của địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.