Bảo tồn các giá trị sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa

Bảo tồn và phát huy các giá trị sinh học sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì, khôi phục, phát triển các hệ sinh thái, đảm bảo sự cân bằng môi trường và giảm đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được tập thể lãnh đạo Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa quan tâm, chỉ đạo.

VQG Núi Chúa nằm trên địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, với diện tích khoảng 106.000ha, đây là một trong những khu vực có động, thực vật phong phú nhất ở Việt Nam, bao gồm 1.514 loài, trong đó có 54 loài thực vật được xếp hạng bị đe dọa trong Danh lục đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật VQG Núi Chúa có 766 loài, 353 loài động vật có xương sống và 413 loài côn trùng. Tại đây, có 60 loài động vật quý hiếm, trong đó có 48 loài động vật đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Bên cạnh hệ động thực vật, nơi đây còn có hệ sinh thái biển đặc trưng với sự hiện diện và phân bố rộng của các rạn san hô rất phong phú và đa dạng về hình thái và cấu trúc trên khoảng 2.300ha gồm 350 loài san hô, có nhiều loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam. Do đó, năm 2022, VQG Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới bởi sự đa dạng sinh học rừng, biển và văn hóa bản địa mang nhiều sắc thái riêng.

Hang Rái cùng hệ san hô biển tuyệt đẹp. Ảnh: Phan Bình

Về tổng quan, VQG Núi Chúa được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như: Vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Bãi Đá, bãi Rùa Đẻ... Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu rạn san hô hàng triệu năm tuổi tại khu vực Hang Rái cùng hệ san hô biển tuyệt đẹp. Hệ san hô biển nơi đây được xem là hệ san hô đa dạng nhất Việt Nam, với gần 350 loài phong phú về hình dáng, màu sắc, trong đó có những loài nguyên thủy, chỉ cách mặt nước 2-4m nên từ lâu đã trở thành địa điểm ưu tiên lựa chọn của du khách, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến để tham quan, thưởng ngoạn và nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, VQG Núi Chúa là nơi độc nhất vô nhị trên đất liền ở Đông Nam Á có khu vực bãi để rùa biển lên đẻ trứng hằng năm nằm ở Bãi Thịt, thuộc xã Vĩnh Hải. Vào đầu tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, rùa tìm đến Bãi Thịt đẻ trứng, cao điểm nhất là tháng 7 và tháng 8. Thời gian này, khu vực bãi rùa đẻ sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, các thành viên trong tổ bảo tồn hằng đêm đều tổ chức tuần tra, đi tìm dấu vết của rùa mẹ từ biển bơi lên Bãi Thịt tìm nơi đẻ trứng để theo dõi, ghi nhận các thông tin theo dõi thời gian trứng rùa nở để kiểm tra và hỗ trợ rùa con về với biển.

Để đảm bảo việc bảo tồn song hành cùng với phát triển du lịch, VQG Núi Chúa đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư cũng như du khách đến tham quan trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển; phổ biến các quy định, giải pháp bảo tồn và phát triển các rạn san hô. Đồng thời, nghiêm cấm việc khai thác san hô sống, nghiêm cấm sử dụng chất nổ trong khai thác cá quanh khu vực có rạn san hô; cử cán bộ thường xuyên tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình xâm hại rạn san hô biển cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ rạn san hô cổ Hang Rái. Qua đó, giúp hệ sinh thái san hô trong khu vực được bảo tồn và phát triển một cách bền vững để phát triển du lịch nhằm tạo nguồn thu phục vụ công tác bảo tồn.

Song song với việc bảo tồn hệ sinh thái biển, việc bảo tồn hệ thống rừng nguyên sinh và hệ động thực vật của VQG Núi Chúa trong thời gian qua cũng được triển khai rất hiệu quả. Với diện tích rộng lớn nên công tác bảo tồn luôn là bài toán khó, tài nguyên rừng luôn trong tình trạng bị đe dọa bởi lâm tặc. Do đó, VQG Núi Chúa đã phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức nhiều buổi họp dân, tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, thành lập mỗi thôn một đội chữa cháy rừng cùng với việc tăng cường công tác tuần tra, thành lập các chốt bảo vệ rừng lưu động trên các tuyến đường, kết hợp với thông tin người dân sống trong vùng đệm cung cấp đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc phá rừng và săn bắt động vật quý hiếm trong phạm vi vườn nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại đến hệ sinh thái VQG Núi Chúa. Ngoài ra, để người dân là một thành viên trong việc bảo vệ hệ sinh thái VQG Núi Chúa, giải pháp hiệu quả nhất là tạo sinh kế cho người dân gắn với nguồn lợi của rừng. Để người dân sống trong vùng đệm có thêm thu nhập, giảm xâm hại cho rừng, VQG Núi Chúa đã xây dựng nhiều mô hình sinh kế bền vững bằng cách phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh mở các lớp tập huấn về phát triển du lịch sinh thái; tập huấn cho người dân nghề làm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng; thành lập tổ múa Mã la, tổ hướng dẫn du lịch. Qua đó, tạo được sinh kế cho người dân, đồng thời làm thay đổi quan điểm, nhận thức từ một cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, thay vào đó cùng phát triển và bảo vệ rừng và giới thiệu bản sắc văn hóa của dân bản địa phục vụ du khách.

Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc VQG Núi Chúa cho biết: Việc khai thác du lịch ít nhiều gây ra những tác động tiêu cực làm suy thoái môi trường và làm giảm giá trị bảo tồn của vườn. Do đó, đơn vị đã xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của Núi Chúa. Đặc biệt, chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái cho nhân viên, cộng đồng địa phương và khách du lịch nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cả cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước điều tra, đánh giá tiềm năng, xây dựng dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển trong phạm vi khu bảo tồn để làm cơ sở triển khai các dự án bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái biển một cách bền vững.