1. Tổ chức nhiều kỳ họp HĐND tỉnh khẩn trương, kịp thời, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương
HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 16 kỳ họp (trong đó có 7 kỳ họp thường lệ và 9 kỳ họp chuyên đề để giải quyết công việc phát sinh đột xuất). Các kỳ họp HĐND được tổ chức là cần thiết, hợp lý, khoa học, bảo đảm vừa kịp thời, vừa “thực chất và hiệu quả” trong việc giải quyết thành công các nội dung và nhiệm vụ dù mới nảy sinh hay đột xuất đặt ra, với tâm thế không để bất ngờ và không rơi vào bị động; việc chuẩn bị các kỳ họp có nhiều cải tiến như: Nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa”; giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian chất vấn, thảo luận, giải trình; công tác điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu; ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức truyền hình trực tiếp, thực hiện chuyển đổi số tất cả các hoạt động của HĐND...
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Thuận Bắc. Ảnh: Hồng Lâm
2. Nghị quyết HĐND được ban hành đảm bảo cần thiết, đúng pháp luật, nguồn lực phù hợp, khả thi, đi vào cuộc sống
Qua 16 kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 314 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng chính quyền và quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Nhiều nghị quyết HĐND tỉnh góp phần đột phá phát triển KT-XH trên các lĩnh vực năng lượng sạch, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, bất động sản, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các nghị quyết được Thường trực HĐND tỉnh phối hợp UBND tỉnh chỉ đạo xem xét chuẩn bị kỹ đảm bảo chủ trương của Đảng, căn cứ pháp lý, các nguồn lực và các điều kiện đảm bảo để triển khai nghị quyết đạt kết quả đi vào cuộc sống.
3. Hoạt động chất vấn, giải trình được cải tiến, đổi mới để các cấp chính quyền hoàn thiện, phục vụ nhân dân
HĐND tỉnh đã tổ chức 5 phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 2 phiên giải trình. Nội dung chất vấn, giải trình được lựa chọn là những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, được đại biểu quan tâm, những bức xúc, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.
Qua đó, đã giám sát, đôn đốc UBND, các sở, ban, ngành phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương thời gian qua.
4. Hoạt động giám sát được đẩy mạnh toàn diện, sâu sát, rộng rãi, kiến tạo và phát triển
HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đã tổ chức 15 đoàn giám sát chuyên đề; 17 cuộc khảo sát đối với nội dung phát sinh; chất vấn tại 4 kỳ họp thường lệ, đối với 7 giám đốc, thủ trưởng sở, ngành.
Giám sát chuyên đề được chú trọng nâng cao chất lượng; chuyên đề giám sát được lựa chọn bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực công tác quản lý nhà nước phát sinh vướng mắc, bất cập, hạn chế như công tác phòng, chống tham nhũng; tiết kiệm, chống lãng phí; về giáo dục; công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác phòng, chống tội phạm; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Công tác khảo sát, giám sát thường xuyên được đẩy mạnh đảm bảo sâu sát thực tế, xem xét nguồn lực, điều kiện khả thi trong việc xây dựng ban hành nghị quyết; xem xét đôn đốc giải quyết các nguyện vọng chính đáng, khiếu nại đúng pháp luật của công dân; khảo sát đôn đốc việc triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận của HĐND. Qua đó, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của các cấp chính quyền và đề xuất xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách, cho chủ trương phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh ở từng giai đoạn.
5. Tiếp xúc cử tri, tiếp xúc cử tri chuyên đề, tiếp công dân, sâu sát lắng nghe, giải quyết đạt kết quả kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri
Đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp xúc cử tri 12 đợt trước và sau các kỳ họp thường lệ; tiếp thu 894 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh. Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Tiếp 123 lượt công dân, tiếp nhận 558 đơn, chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời giải quyết 336 đơn.
Các tổ đại biểu, đại biểu sâu sát cơ sở, tăng cường khảo sát thực tế để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân nhằm kịp thời phản ánh, đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri; một số nội dung phản ánh của cử tri được quan tâm giải quyết thỏa đáng, kịp thời, được cử tri đồng tình, ủng hộ cao.
6. Chất lượng đại biểu nâng cao, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới
Thường trực HĐND tỉnh chú trọng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu HĐND; cung cấp thông tin; đảm bảo các điều kiện hoạt động của đại biểu.
Chất lượng hoạt động của đại biểu ngày càng được nâng lên, thể hiện qua đóng góp xây dựng nghị quyết HĐND tỉnh, hoạt động giám sát, khảo sát, nhất là việc tham gia thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp HĐND; đại biểu HĐND nâng cao vai trò, trách nhiệm là đại biểu nhân dân qua tiếp xúc cử tri và tiếp công dân định kỳ và hằng năm.
7. Chuyển đổi số, công nghệ 4.0 áp dụng rộng rãi trong hoạt động HĐND
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong tất cả hoạt động của HĐND; nhất là việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ họp, hình thức họp trực tuyến, không giấy; quá trình thảo luận, trao đổi giữa các thành viên thuộc các tổ chức HĐND các cấp.
Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh