Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, hiện nay Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà Rông, nhà Dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những đội cồng chiêng nữ ngày một phát triển trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Ảnh tư liệu: Hồng Điệp/TTXVN
Cồng chiêng được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng, được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng, độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn biểu tượng cho cuộc sống của cộng đồng các dân tộc bản địa, bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng, như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng, văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị nghệ thuật; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử...
Trước đây, chỉ những hộ giàu có mới được sở hữu một chiếc chiêng với giá trị bằng 2 con voi hay 20 con trâu. Chỉ dịp lễ hội, tiếng chiêng mới được ngân lên, báo hiệu cho những người dân tụ họp quây quần bên đống lửa và vò rượu cần, cùng nhau nhảy múa, cùng nhau ca hát.
Hiện tại, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức hằng năm, luân phiên giữa các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Văn hóa Tây Nguyên gắn kết chặt chẽ với bản, làng và đặc trưng luật tục, lễ hội đặc sắc trong không gian rừng đại ngàn mênh mông. Các lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên biểu thị những quan niệm về con người, thu hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, các dòng tộc, buôn làng, như lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả…
Vào năm 1976, dân số Tây Nguyên ở mức hơn 1,2 triệu người với 18 dân tộc. Hiện nay, Tây Nguyên có hơn 6 triệu người với đầy đủ đại diện của 54 dân tộc, trong đó có 36 dân tộc thiểu số, chủ yếu đến từ khu vực miền núi phía Bắc. Các dân tộc đến đây định cư mang theo di sản văn hóa của quê hương, làm giàu thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Người Mường Hòa Bình đi tiên phong, đến Đắk Lắk từ những năm 50 của thế kỷ trước. Hiện nay, trên 1.000 hộ người Mường cư trú chủ yếu tại xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột). Người Mường cũng có văn hóa cồng chiêng như người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai. Vào dịp lễ hội phụ nữ Mường ở xã Hòa Thắng tụ họp đánh chiêng và truyền cho nhau các bài chiêng cổ của dân tộc.
Tại tỉnh Đắk Lắk, người Tày, người Nùng sinh sống tập trung ở các huyện Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Bông, thị xã Buôn Hồ. Ở huyện Krông Năng đồng bào Nùng vẫn giữ những nếp nhà truyền thống độc đáo. Bà con Tày, Nùng vẫn còn duy trì một số lễ hội của dân tộc như Lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng), lễ hội Sinh Mình (Thanh minh), lễ hội Hảng Pồ... Vào dịp lễ hội, các nghệ nhân biểu diễn và truyền dạy cho thế hệ trẻ những bài hát then, đàn tính, giữ gìn sắc phục truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian cho các em nhỏ.
Đồng bào Thái đến Tây Nguyên định cư từ những năm 1950 và vẫn giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, như Hạn khuống, đàn tính tẩu.
Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, người Mông bắt đầu vào Tây Nguyên, đầu tiên là định cư tại tỉnh Gia Lai. Trong khoảng 40 năm ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, Gia Lai), 150 hộ người Mông đến từ Cao Bằng mang đến vùng đất mới nghề dệt thủ công, những bộ trang phục sặc sỡ và các điệu khèn, điệu múa đặc sắc.
Những sự kiện lớn thường kỳ của ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên ngày càng xuất hiện nhiều hơn tiếng khèn, điệu múa ô của người Mông, múa gậy của người Dao, cây đàn tính của người Tày, điệu xòe Thái…
Ở Đắk Lắk, một số lễ hội đã được duy trì đều đặn vào tháng Giêng trong 10 năm trở lại đây, như Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc của đồng bào Tày ở huyện Krông Năng, Lễ hội Hảng Pồ của người Nùng tại thị xã Buôn Hồ, lễ khai hạ của người Mường và Hội Xuân của người Thái tại thành phố Buôn Ma Thuột, lễ hội Lồng Tồng của người Tày huyện Ea Súp; chợ phiên của đồng bào Mông ở xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông)…
Các lễ hội thường được tổ chức tại những địa bàn mà đời sống người dân đã thật sự ổn định, do người dân lựa chọn và được chính quyền đứng ra tổ chức, hỗ trợ. Khi kinh tế bắt đầu khá lên thì đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc có nhu cầu tìm về cội nguồn văn hóa của mình.
Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa
Nguồn lực cơ bản của du lịch văn hóa là các lễ hội, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực, công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống.
Theo một kết quả nghiên cứu về phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Tây Nguyên, trong điều kiện hiện tại của Tây Nguyên thì chúng ta không dựa vào những khoản đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà cần dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc.
Một trong những giá trị văn hóa của Tây Nguyên cần được ưu tiên khai thác để thu hút khách du lịch là các lễ hội.
Hệ thống các lễ hội tại Tây Nguyên rất đặc sắc và đa dạng. Đây là cái nôi để bảo tồn và trao truyền các tri thức, các giá trị văn hóa truyền thống quý báu thông qua các hoạt động văn hóa, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, như văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà Rông, nhà Dài, nhà Gươl, văn hóa ẩm thực, văn hóa thổ cẩm, văn hóa sử thi, văn hóa diễn tấu nhạc cụ, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc.
Nếu khai thác tốt tiềm lực văn hóa du lịch thì số du khách đến Tây Nguyên sẽ lớn gấp nhiều lần các con số thống kê của năm 2023: Lâm Đồng đón hơn 8,6 triệu lượt du khách, Đắc Lắk - hơn 1,16 triệu, Kon Tum - 1,3 triệu, Gia Lai - 1,15 triệu, Đắk Nông - gần 700 nghìn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức