Hội nghị đã đánh giá và dự báo tình hình quốc tế; kiểm điểm, đánh giá toàn diện kết quả 2 năm triển khai vừa qua và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đề án quan trọng về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, từ đó đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm và các biện pháp cần tập trung triển khai đến hết nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo. Dịp này, hội nghị cũng đã trao đổi một số vấn đề lớn, vấn đề mới về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại trong thời kỳ đổi mới; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng ngành ngoại giao, nhất là những vấn đề then chốt như công tác cán bộ, xây dựng Đảng, cơ chế chính sách đối ngoại, đổi mới lề lối làm việc với quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được và đề nghị ngành ngoại giao kiểm điểm rút kinh nghiệm, đánh giá kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế để có hướng khắc phục; không chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những gì đã làm được để tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa công tác đối ngoại, ngoại giao trong thời gian tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị đội ngũ làm công tác đối ngoại, ngoại giao thường xuyên theo dõi, dự báo sát tình hình bên ngoài, nhất là đánh giá thật đúng các tác động đến Việt Nam để không bị động, bất ngờ và luôn luôn tỉnh táo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; cố gắng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.Ảnh: L.Anh
Tiếp tục bám sát nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao, tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu, điều chỉnh, bổ sung những xu thế mới, những vấn đề mới phát sinh để cụ thể hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị một cách khoa học, bài bản, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; luôn quan tâm kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, xử lý thật hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; luôn kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược; xây dựng sự đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân như lời căn dặn của Bác Hồ; đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đối ngoại, ngoại giao... Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, xứng đáng hơn nữa với vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 diễn ra đến hết ngày 23/12/2023.
Lâm Anh