Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động

Ngày 14/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5219/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động (LĐ) giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là đảm bảo 90% - 100% cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến, thông tin kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quyền, nghĩa vụ của NLĐ và NSDLĐ trước và sau khi được ban hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật về LĐ, quan hệ LĐ và nội dung, yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về LĐ được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác; cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ và NSDLĐ được tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.

Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách pháp luật LĐ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, ít nhất 2 cuộc.

Đảm bảo 90% - 100% các câu hỏi và đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật LĐ của NLĐ và NSDLĐ được tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thói quen tìm hiểu và thực hiện pháp luật của NLĐ và NSDLĐ, đặc biệt là pháp luật về quan hệ LĐ, LĐ đặc thù liên quan đến việc thực thi các cam kết quốc tế về LĐ, nhất là cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; bình đẳng, không phân biệt đối xử trong LĐ, phòng, chống LĐ cưỡng bức, xóa bỏ LĐ trẻ em,...

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh và các địa phương; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp trong việc PBGDPL cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp, quan hệ LĐ; triển khai các giải pháp xã hội hóa công tác PBGDPL cho doanh nghiệp.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án là nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức làm công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ trong bối cảnh mới thực thi các cam kết quốc tế về LĐ. Trong đó, khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng PBGDPL LĐ cho NLĐ và NSDLĐ; khảo sát đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường phối hợp cùng cấp, với cấp trên và cấp dưới trong việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ; xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm PBGDPL đối với từng đối tượng; đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ để gắn kết chặt chẽ việc triển khai Đề án này với Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” được phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các cam kết quốc tế về LĐ của Việt Nam; kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và cán bộ nòng cốt làm công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về LĐ.

Nhiệm vụ và giải pháp khác là triển khai hiệu quả công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về LĐ.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động PBGDPL phải có trọng điểm, thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu của NLĐ và NSDLĐ, bảo đảm yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về LĐ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...