Ninh Sơn: Phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác dân tộc (DT) và chính sách DT, cấp ủy, chính quyền huyện Ninh Sơn còn đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch, giúp các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện dần được khôi phục và gìn giữ.

Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu truyền dạy Mã la cho các em học sinh
trên địa bàn xã Ma Nới (Ninh Sơn). Ảnh: K.Thùy

Ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Toàn huyện có trên 20.800 người DTTS, chiếm 20,9% tổng dân số toàn huyện, trong đó đông nhất là DT Raglai. Để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó phát huy vai trò của nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người cao tuổi để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của từng đồng bào. Trước mắt huyện đang tích cực chủ động khôi phục và duy trì Lễ ăn mừng đầu lúa mới của bà con Raglai tại xã Ma Nới; hỗ trợ trang bị nhạc cụ Mã la cho các thôn phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống; thành lập câu lạc bộ, đội đánh Mã la; phối hợp mở các lớp tập huấn, truyền dạy Mã la trong trường học, khu dân cư; xây dựng nhà sàn truyền thống làm nơi trưng bày, bảo tồn các hiện vật văn hóa... qua đó góp phần lan tỏa niềm yêu thích, sự tự hào của đồng bào Raglai trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, từ đó gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách đến với địa phương.

Xã Ma Nới là địa phương có đông đồng bào DT Raglai sinh sống, chiếm trên 98%. Để giúp người dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mới đây Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với nghệ nhân ưu tú tại địa phương tổ chức lớp dạy sử dụng nhạc cụ Mã la cho 20 học viên trung niên và học viên là học sinh đang theo học tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, từ đó thành lập các đội Mã la phục vụ cho các hoạt động văn hóa tại địa phương.

Có dịp được tham gia lớp học, tận mắt nhìn thấy những loại nhạc cụ truyền thống, đắm mình trong không gian văn hóa Raglai với đàn Chapi, Mã la và thưởng thức tiếng đàn, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các DTTS. Từng âm thanh huyền diệu của Mã la cất lên như lời núi non, thác nước, của tiếng lòng hòa quyện với điệu nhảy múa uyển chuyển như tái hiện cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Raglai. Những nghệ nhân cao tuổi diễn tấu, những người trẻ tiếp bàn tay người già học theo, tạo nên một cuộc trao truyền đầy tâm huyết giúp con cháu tiếp nhận những giá trị âm nhạc mà tổ tiên để lại.

Phụ nữ xã Ma Nới (Ninh Sơn) biểu diễn đánh chiêng. Ảnh: Sơn Ngọc

Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu, xã Ma Nới, chia sẻ: Nhiều năm trước, tôi rất lo lắng về sự mai một của nhạc cụ truyền thống Raglai, nếu không kịp tiếp lửa và truyền dạy cho thế hệ trẻ, liệu mai này trong vùng đồng bào Raglai những nhạc cụ và âm nhạc truyền thống có còn cơ hội hiện hữu. Giờ thì tôi ưng cái bụng lắm và rất mừng khi được tham gia truyền dạy lại cho bà con, nhất là thế hệ trẻ hiểu và sử dụng được các loại nhạc cụ, điệu nhảy múa truyền thống để bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Raglai. Ngoài những buổi dạy được địa phương tổ chức, tôi còn tổ chức các lớp dạy tại nhà mỗi tối cho con cháu. Em Tà Yên Phóng, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông DT bán trú THCS Phan Đình Phùng, xã Ma Nới, chia sẻ: Qua 5 ngày được xem nghệ nhân biểu diễn và tận tình truyền dạy tỉ mỉ cách đánh Mã la đã cho em niềm đam mê theo đuổi nhạc cụ truyền thống, em cảm thấy yêu quý và tự hào về văn hóa của DT mình. Đồng thời, em cảm thấy mình cần có trách nhiệm bảo tồn các giá trị truyền thống của DT khi đang dần mất đi.

Ông Trần Văn Sinh, cho biết thêm: Thời gian tới, cùng với việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, huyện tiếp tục nghiên cứu, phối hợp sưu tầm, khôi phục, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DT Raglai như: Mã La, Chapi, các lễ hội... nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ nhu cầu tìm hiểu đời sống văn hóa của du khách. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và tôn vinh nghệ nhân người DTTS, góp phần tích cực vào lưu truyền, phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận trong lĩnh vực văn hóa; tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử...