Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà chính trị, quân sự song toàn

Đại tướng Đoàn Khuê-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn, xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Trong chặng đường 60 năm hoạt động cách mạng (1939-1999), đồng chí đã đảm nhiệm nhiều cương vị và có mặt ở nhiều vùng miền, địa phương, chiến trường khác nhau; trong đó, có hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân; đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng; luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, giữ vững tính đảng... là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, để lại tấm gương tốt đẹp là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc.

Người cán bộ chính trị mẫu mực, phong cách dân chủ, sâu sát thực tiễn

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1939, khi 16 tuổi, đồng chí Đoàn Khuê tham gia phong trào thanh niên phản đế ở phủ Triệu Phong; năm 1940, bị địch bắt và kết án tù, giam ở nhà lao Quảng Trị, rồi bị đưa đến nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong thời gian hơn 5 năm bị giam giữ, đày ải, tra tấn tàn bạo, đồng chí Đoàn Khuê luôn thể hiện chí khí kiên cường, không chịu khuất phục, một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà chính trị, quân sự song toàn

Đồng chí Đoàn Khuê (giữa), Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 đi kiểm tra xác định đường biên giới, năm 1978. Ảnh tư liệu

Tháng 5-1945, sau khi thoát khỏi nhà tù, đồng chí tiếp tục trở về hoạt động gây cơ sở ở Quảng Bình; sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh. Đồng chí Đoàn Khuê đã tích cực xây dựng lực lượng, tham gia chỉ đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền cách mạng ở Quảng Bình.

Khi thực dân Pháp trở lại gây hấn, xâm lược ở Sài Gòn, đồng chí Đoàn Khuê lúc này là Ủy viên Quân sự của Ủy ban Quân chính Khu C (gồm lực lượng vũ trang (LLVT) Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) được giao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị hoạt động ở địa bàn Khu 5; sau đó lần lượt được cử giữ các chức vụ: Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 69, 73, 78 và 126.

Đặc biệt, trong thời gian từ năm 1948 đến 1954, trên cương vị Chính ủy, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 84 và Trung đoàn 108-đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Đoàn Khuê đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Với tác phong gương mẫu, phong cách dân chủ, sâu sát thực tiễn, trong quá trình kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng của đơn vị, đồng chí chú ý sắp xếp xen kẽ các đồng chí dân tộc Kinh với các đồng chí dân tộc thiểu số ở các đội vũ trang tuyên truyền và đại đội độc lập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở ở các vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, tăng cường đội ngũ đảng viên cho những đơn vị trực tiếp chiến đấu và hoạt động ở vùng sâu; lấy công tác dân vận làm trung tâm xây dựng cơ sở vùng địch hậu...

Trong thời gian này, bằng kiến thức và kinh nghiệm phong phú, sâu sát thực tiễn, đồng chí Đoàn Khuê đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều đóng góp trong xây dựng, củng cố đơn vị, không ngừng nâng cao chất lượng chính trị và sức chiến đấu của các trung đoàn; đồng thời, cùng với tập thể cấp ủy và chỉ huy các trung đoàn vừa xây dựng, vừa chiến đấu, góp phần cùng với LLVT Khu 5 tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, củng cố và giữ vững vùng tự do “Nam-Ngãi-Bình-Phú”, hậu phương kháng chiến trực tiếp của Nam Trung Bộ.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, đồng chí Đoàn Khuê lần lượt giữ các chức vụ: Phó chính ủy Đại đoàn 305, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 675, Chính ủy Sư đoàn 351. Tháng 3-1958, trước âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại hiệp thương, tổng tuyển cử, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, đồng chí Đoàn Khuê được điều ra Quân khu 4 làm Ủy viên Đảng ủy Quân khu và giữ chức Chính ủy, Bí thư Lữ đoàn ủy Lữ đoàn 341, đảm nhiệm phòng thủ tại giới tuyến quân sự tạm thời. Với nhãn quan chính trị sắc sảo, đồng chí đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, chỉ đạo đơn vị tiến hành xây dựng cơ sở, tạo thế cho nhân dân trong đấu tranh chính trị, sẵn sàng đánh bại âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ. Bằng hành động gương mẫu, tác phong sâu sát, đồng chí đã trực tiếp có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt “ba cùng” với nhân dân, được nhân dân quý mến, yêu thương chăm sóc; vì vậy, Lữ đoàn 341 nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị thường xuyên chiến đấu giỏi của Quân khu 4.

Tháng 10-1960, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó chính ủy Quân khu 4. Trên cương vị mới, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong sâu sát, tỉ mỉ, không ngừng nghiên cứu, tìm ra các biện pháp phù hợp, cùng tập thể Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 4 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng LLVT ba thứ quân vững mạnh, xây dựng thế trận ngày càng vững chắc, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các đơn vị, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, giành nhiều thắng lợi to lớn trên chiến trường Quân khu 4.

Từ cuối năm 1962, trên địa bàn Khu 5, Mỹ-Diệm cơ bản lập xong “ấp chiến lược” trong các vùng chúng kiểm soát ở đồng bằng và tiến hành đánh phá ác liệt vùng tranh chấp, làm cho cuộc đấu tranh của quân và dân ta chống phá âm mưu gom dân lập “ấp chiến lược” của địch trở nên quyết liệt. Trước tình hình đó, đồng chí Đoàn Khuê được điều động vào chiến trường Khu 5 giữ chức Phó chính ủy Quân khu, trực tiếp chỉ đạo LLVT tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở chiến trường trọng điểm này. Trong suốt quá trình gắn bó với chiến trường Khu 5 (1963-1975), đồng chí Đoàn Khuê luôn kiên định với đường lối lãnh đạo của Đảng, tập trung giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, xây dựng ý chí quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cho quân và dân Khu 5.

Đặc biệt, sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), một số đơn vị có biểu hiện chủ quan, ảo tưởng, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch, đồng chí Đoàn Khuê đã kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, chống ảo tưởng, mất cảnh giác, lỏng lẻo, thiếu ý chí chiến đấu; đồng thời, tích cực đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đấu tranh chống phá địch lấn chiếm bình định, giữ vững vùng giải phóng và xây dựng lực lượng tiếp tục chiến đấu, giành thắng lợi to lớn hơn.

Với tác phong gương mẫu, phong cách làm việc dân chủ, sâu sát thực tiễn, trước mỗi chiến dịch, trận đánh, đồng chí thường trực tiếp xuống các đơn vị phổ biến kế hoạch, tổ chức thực hiện dân chủ quân sự sâu rộng để xác định đúng đắn trách nhiệm của từng đơn vị và cá nhân trong chiến đấu. Qua thực tiễn chỉ đạo chiến đấu giành thắng lợi ở Khu 5, đồng chí đã đúc kết tư tưởng chỉ đạo phong trào đánh Mỹ với những nét tiêu biểu: “Muốn thắng Mỹ là phải phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao tinh thần đánh Mỹ, kiên định quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ đến cùng là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi”.

Sau ngày đất nước thống nhất, là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Quân đội, đồng chí vẫn thường xuyên đến thăm các đơn vị từ các tỉnh địa đầu phía Bắc, cho đến các tỉnh tận cùng phía Nam và có mặt ở hầu hết các đảo quan trọng của nước ta trên Biển Đông, cũng như các vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc để thấu hiểu và kịp thời động viên, chỉ đạo giải quyết nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.

Xuất thân từ cán bộ chính trị và dành thời gian dài cho hoạt động chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị, đồng chí Đoàn Khuê là một trong những cán bộ chính trị xuất sắc của QĐND Việt Nam, có phong cách làm việc dân chủ, sâu sát thực tiễn, luôn có mặt ở những chiến trường trọng điểm, kịp thời động viên, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần của bộ đội, khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm, hoàn thành các nhiệm vụ.

Vị tướng mưu lược, người chỉ huy tài giỏi trên các chiến trường trọng điểm

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đồng chí Đoàn Khuê được Đảng, Quân đội giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Liên khu 5. Đây là những đơn vị phần lớn phải hoạt động trên các địa bàn ác liệt, khó khăn, trọng điểm đánh phá của thực dân Pháp. Đồng chí Đoàn Khuê đã cùng ban chỉ huy các trung đoàn đẩy mạnh kết hợp công tác chính trị và quân sự; kịp thời chỉ đạo các trung đoàn tổ chức các khóa huấn luyện cấp tốc, đào tạo cán bộ tiểu đội, trung đội dân quân, du kích... góp phần rèn luyện, xây dựng đội ngũ này ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên địa bàn. Đồng thời, đồng chí cùng với ban chỉ huy các trung đoàn chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.

Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà chính trị, quân sự song toàn

Đồng chí Đoàn Khuê (bên trái), Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 trong chuyến đi công tác cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn ở Đắk Lắk, ngày 10-4-1978. Ảnh tư liệu

Một trong những dấu ấn của đồng chí Đoàn Khuê ở chiến trường Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp là chỉ đạo, chỉ huy Trung đoàn 108 tiến công tiêu diệt Măng Đen-cứ điểm then chốt trong tuyến phòng thủ của thực dân Pháp ở Bắc Tây Nguyên (ngày 27 và 28-1-1954).

Đây là trận công kiên gặp nhiều khó khăn, song với tác phong sâu sát và tài năng chính trị, quân sự song toàn, đồng chí đã trực tiếp có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt nhất để nắm tình hình, động viên bộ đội và cùng Ban chỉ huy Trung đoàn quyết định chuyển hướng thứ yếu thành hướng chủ yếu. Đó là một quyết định táo bạo, nhưng chính xác, kịp thời, gây ra bất ngờ cho quân địch, làm cho chúng không kịp trở tay và phải chịu thất bại. Tên tuổi đồng chí Đoàn Khuê-Chính ủy Trung đoàn 108 đã gắn liền với chiến thắng Măng Đen trong thời kỳ chống Pháp.

Đầu năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Khu 5 trở thành trọng điểm địch đánh phá ác liệt, có vùng “trắng đất, trắng dân”. Trước tình hình đó, đồng chí Đoàn Khuê được điều động từ Quân khu 4 vào chiến trường Khu 5 và gắn bó với chiến trường này cho đến ngày đất nước thống nhất. Trong thời gian ở chiến trường Khu 5 ác liệt, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Phó chính ủy Quân khu 5, Phó bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên.

Bằng tài năng và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí luôn coi trọng công tác giáo dục, động viên sức mạnh chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, đồng chí đã cùng với Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo LLVT và nhân dân nêu cao quyết tâm, quyết đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Với ý chí quyết tâm cao độ và tài mưu lược, tinh thần dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo, đồng chí đã vận dụng đúng phương châm “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, càng đánh, càng mạnh, góp phần cùng Quân khu ủy và Bộ tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy quân và dân Khu 5 giành nhiều thắng lợi to lớn. Các hoạt động quân sự trên địa bàn Khu 5, nhất là Phong trào “Phá ấp chiến lược” những năm 1963-1964, đã góp phần xoay chuyển được cục diện chiến trường, tạo được những điều kiện thuận lợi để đánh thắng địch lớn hơn.

Trong chỉ đạo, thực hiện chủ trương xây dựng “Vành đai diệt Mỹ” và phát động Phong trào thi đua giành danh hiệu “Thiện xạ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, đồng chí Đoàn Khuê đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhanh chóng hình thành các “Vành đai diệt Mỹ” ở Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, bao quanh, áp sát các căn cứ của địch, tạo thế đan xen, cài răng lược, vây hãm chúng trong thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận chiến tranh du kích của ta ở Khu 5. Trên cơ sở đối tượng tác chiến mới, đồng chí Đoàn Khuê và Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 kịp thời giải quyết tốt vấn đề chiến thuật, tư tưởng cho LLVT; chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức những trận đánh nổi tiếng đi vào lịch sử, như: Vạn Tường (8-1965), Plei Me (1965), Đồng Dương (cuối năm 1965), Xuân Sơn (1966)...

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trước tình thế yếu tố bất ngờ không còn, địch tổ chức phản công quyết liệt, tháng 3-1968, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng với Bộ tư lệnh Quân khu 5 kịp thời chỉ đạo sử dụng một lực lượng nhỏ tiếp tục đánh địch ở nông thôn, đồng bằng, giữ vững thế trận. Nhờ đó, Quân khu 5 đã hạn chế được những tổn thất, giữ vững được thế trận sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng tập thể Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 xử trí kịp thời nhiều tình huống phức tạp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến lên giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên địa bàn Quân khu 5, lực lượng FULRO ra sức phá hoại, đẩy mạnh hoạt động vũ trang, xây dựng các khung chính quyền ngầm, gây nhiều khó khăn cho công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Trước tình hình đó, với tư duy nhạy bén, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, đồng chí Đoàn Khuê, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu đã cùng với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương chuyển từ “truy quét” thành “giải quyết vấn đề FULRO” với những giải pháp đồng bộ, giáo dục chính trị, xây dựng cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), cùng với giải pháp quân sự và nghiệp vụ chuyên môn của các ngành. Đây là chỉ đạo mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định, góp phần làm thất bại hoàn toàn âm mưu của kẻ địch, từng bước củng cố tình hình an ninh chính trị trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Đầu năm 1983, đồng chí Đoàn Khuê được giao nhiệm vụ làm Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh 719; Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia; sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh 719 (1986). Đây là giai đoạn đất nước Campuchia đứng trước những khó khăn, thử thách nặng nề; các thế lực thù địch ra sức phá hoại chính quyền cách mạng, đẩy mạnh các hoạt động chống phá.

Trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên, trong điều kiện hoạt động trên đất bạn vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng với tác phong chỉ đạo sâu sát, tỉ mỉ, đồng chí Đoàn Khuê đã xuống tận chiến hào với các chiến sĩ và đồng bào nước bạn, kịp thời động viên, nắm bắt tình hình, chỉ đạo các đơn vị khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Những kết quả giành được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp cách mạng Campuchia đã được nhân dân nước bạn mến phục, kính trọng và để lại hình ảnh tốt đẹp về "Đội quân nhà Phật", giúp nhân dân Campuchia thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại.

Có thể thấy, từ khi dấn thân vào hoạt động cách mạng cho đến khi đảm nhiệm các cương vị chủ chốt trong Quân đội, đồng chí Đoàn Khuê không những là cán bộ chính trị gương mẫu mà còn là vị tướng mưu lược, người chỉ huy tài giỏi, luôn có mặt ở những chiến trường trọng điểm, ác liệt trong nước, cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả; trực tiếp, sâu sát động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu; kịp thời lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Quân đội, có nhiều cống hiến xuất sắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đồng chí Đoàn Khuê là một cán bộ trưởng thành từ cơ sở, có mặt ở nhiều chiến trường trọng điểm. Dù trong chiến tranh cách mạng, hay trong thời bình, đồng chí luôn là người sâu sát thực tiễn, trở thành một cán bộ cao cấp, có uy tín lớn của Đảng và Quân đội. Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, đánh giá: “Đồng chí Đoàn Khuê là người sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, liêm khiết và nghiêm khắc đối với mình, nhưng hết mực thương yêu đồng chí, đồng đội, gần gũi với nhân dân, được Quân đội và nhân dân mến phục”.

Trong thời gian trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và tiếp đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã có nhiều đóng góp xứng đáng, cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là lực lượng trung thành, nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng đất nước.

Trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội, đồng chí là người có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chủ trương xây dựng LLVT nhân dân với số quân thường trực thích hợp theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, có sức chiến đấu cao; đồng thời, luôn chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với đó, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam nghiên cứu, xác định phương hướng điều chỉnh chiến lược trên phạm vi cả nước, làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02 (khoá VI) ngày 30-7-1987 xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Đây là nghị quyết cơ bản về đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.

Về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đồng chí Đoàn Khuê là người tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và đưa ra quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng trên phạm vi cả nước, từng bước giải quyết những vướng mắc về nhận thức và hoạt động thực tiễn trong việc kết hợp KT-XH với quốc phòng, an ninh trong quá trình hoạch định và triển khai chiến lược phát triển KT-XH của đất nước.

Theo đồng chí: “Nhiệm vụ xây dựng kinh tế và nhiệm vụ củng cố quốc phòng vừa có quy luật vận động riêng, vừa có sự thống nhất biện chứng trong quy luật vận động chung... Xét về tổng thể thì hai nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là thống nhất trong một mục đích làm cho đất nước giàu mạnh, thiếu một trong hai nhiệm vụ này, không thể bảo đảm lợi ích đất nước theo nghĩa đầy đủ” (Đại tướng Đoàn Khuê, Quan điểm cơ bản bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, NXB QĐND, H, 1994, tr.108-109).

Do vậy, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng cần được triển khai có kế hoạch từng bước phù hợp với các bước thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển KT-XH và chiến lược quốc phòng, an ninh của đất nước. Chiến lược phát triển KT-XH vừa phải giải quyết các yêu cầu nóng bỏng về kinh tế và xã hội, vừa phải từng bước tạo ra cơ sở kinh tế và xã hội cho sức mạnh và tiềm lực quốc phòng... phải xây dựng được tiềm lực kinh tế quốc phòng và chuẩn bị cho tiềm lực kinh tế quốc phòng đã được tạo lập sẵn sàng chuyển thành sức mạnh quốc phòng để đối phó thắng lợi với các tình huống chiến tranh có thể xảy ra.

Trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt của Bộ Quốc phòng, bằng tài năng chính trị, quân sự song toàn và tư duy đổi mới, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước, các khả năng đe dọa an ninh của Tổ quốc để đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện thành công cuộc điều chỉnh chiến lược quan trọng từ đề phòng chiến tranh xâm lược quy mô lớn chuyển sang đối phó với xung đột vũ trang bộ phận, “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”; tiếp đó là chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, đề phòng chiến tranh xâm lược ở quy mô và cường độ khác nhau.

Trên cơ sở đó, chỉ đạo và tổ chức thực hiện điều chỉnh chiến lược theo phương hướng đánh lâu dài, quân số thường trực ít nhưng tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt, xây dựng khu vực phòng thủ bền vững bảo đảm cho nhân dân vừa đánh giặc, vừa sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê (29-10-1923 / 29-10-2023) là dịp để chúng ta ôn lại những cống hiến xuất sắc của đồng chí với cách mạng Việt Nam. Suốt 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đoàn Khuê đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt từ trung đoàn, sư đoàn, quân khu và Bộ Quốc phòng; luôn có mặt ở những chiến trường trọng điểm, kịp thời động viên bộ đội và lãnh đạo, chỉ huy các hoạt động chiến đấu giành thắng lợi, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giành thắng lợi trong 30 năm chiến tranh giải phóng và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Phẩm chất đạo đức, tài năng chính trị và quân sự của Đại tướng Đoàn Khuê là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân học tập, noi theo; những quan điểm, tư tưởng của đồng chí cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, toàn quân cần tập trung thực hiện:

Thứ nhất, quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa công tác quân sự với công tác chính trị, đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Thứ ba, nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; xây dựng các khu vực phòng thủ vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo TTXVN/Báo Tin tức