Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29), sự nghiệp GD&ĐT tỉnh ta đạt nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác.

Nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 là công tác thể chế hóa, ban hành các văn bản lãnh đạo được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo sâu sát, kịp thời, đúng mục tiêu, quan điểm của nghị quyết đề ra. Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo UBND tỉnh, ngành GD&ĐT tăng cường công tác quản lý nhà nước về đổi mới GD&ĐT. Các cấp, các ngành, địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, dành sự ưu tiên thích đáng trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập đem lại kết quả tích cực, tạo chuyến biến về ý thức của người dân trong việc học và tự học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT theo hướng căn bản và toàn diện.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Bảo An 1 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Phạm Lâm

Các chính sách, pháp luật về giáo dục được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Ngoài những chính sách chung của Nhà nước, tỉnh ta có một số chính sách đặc thù như: Chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm Chương trình sữa học đường trên địa bàn huyện Bác Ái giai đoạn 2019-2020; chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo thuộc diện hộ cận nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; chế độ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên và học sinh (HS) Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn; quy định chính sách không thu học phí có thời hạn trong năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19... Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các địa phương còn ưu tiên nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép và phối hợp với các nguồn vốn, các chương trình, dự án tại địa phương để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Thông qua các nguồn vốn, từ năm 2013-2022 toàn tỉnh đã đầu tư trên 1.880 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới 1.543 phòng học các cấp. Các chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, phối hợp triển khai kịp thời. Từ năm 2013-2022, toàn tỉnh có 11 dự án xã hội hóa giáo dục với mức vốn 265,7 tỷ đồng được cấp phép đầu tư; cấp học phổ thông có 2 trường liên cấp tiểu học, THCS, THPT tư thục. Đặc biệt, ở cấp mầm non (MN) đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 26 trường MN tư thục, 214 nhóm lớp độc lập tư thục; đã cấp giấy phép đầu tư cho 7 dự án trường MN với tổng số vốn là 118,2 tỷ đồng.

Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, có hiệu quả việc xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào cuộc sống; chú trọng giá trị đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Bộ GD&ĐT về đổi mới, đảm bảo trung thực, khách quan trong thi cử, kiểm tra và đánh giá HS, nhất là đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, giảm áp lực, phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh, HS trong tỉnh, giảm bớt chi phí cho việc tổ chức thi cử. Các trường cũng thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép, giới thiệu các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vào các môn học như: Tiếng Chăm, tiếng Raglai, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Tài liệu giáo dục địa phương... qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Trường THPT iSchool Ninh Thuận.

Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản được thực hiện đúng quy định, phù hợp với đặc thù mỗi địa phương và đảm bảo các tiêu chí, mục tiêu đề ra. Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 149 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, có 25/88 trường MN, đạt 28,41% và 124/207 trường phổ thông, đạt 59,9%. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng về số lượng, đạt chuẩn về trình độ và đảm bảo phẩm chất, năng lực; cơ cấu giáo viên tương đối phù hợp. Chất lượng GD&ĐT ổn định và từng bước được nâng lên. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, tỉnh ta có 14 HS cấp THPT đoạt giải HS giỏi quốc gia; có 2/2 dự án tham gia đoạt giải triển vọng Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia HS trung học; tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt 96,71%. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp.

Dù còn không ít khó khăn, hạn chế, song những nỗ lực và kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.