Tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Ngày 28/9/2023, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành văn bản số 4045/UBND-KTTH của UBND tỉnh gởi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 6433/CT-BNN-CCPT ngày 13/9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Văn bản nêu: Thực hiện Chỉ thị số 6433/CT-BNN-CCPT ngày 13/9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện tổ chức, bộ máy, phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực nông lâm thuỷ sản nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018, Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 và Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo tính thống nhất trên toàn tỉnh; chịu trách nhiệm báo cáo các nội dung liên quan đến lĩnh vực được giao, được phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018, Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị được phân cấp quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thống kê cập nhật danh sách (tàu cá có chiều dài dưới 15m, cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ,…), đẩy mạnh công tác ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện cam kết theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT BNNPTNT.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm trong công tác thi hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác, thu mua, sơ chế thủy sản.

- Tổ chức truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật (bao gồm áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, công khai hành vi vi phạm…), triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm khi đã xác định được cơ sở nuôi sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm; tổ chức, cá nhân mua bán thuốc thú y, hóa chất cấm sử dụng.

- Quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức, kiểm tra viên về an toàn thực phẩm, thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực, chất lượng công tác của đội ngũ này nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh để thu thập thông tin, điều tra, xác minh, triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh hóa chất, kháng sinh cấm trong sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và đăng ký cơ quan thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Tiếp nhận và xử lý các phản ánh về việc vi phạm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản, mua bán thuốc thú y thủy sản và hóa chất cấm sử dụng.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung tại văn bản này cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Người dân nuôi hàu ở Đầm Nại (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

2. Sở Y tế phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thanh tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, kết nối các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản an toàn với các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học…

3. Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm thủy sản an toàn, thanh tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

4. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc lưu thông thực phẩm thủy sản kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Công an tỉnh phối hợp với các Sở, ngành có liên quan theo dõi, điều tra xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chuyên mục an toàn thực phẩm và phát trên sóng truyền hình, đài phát thanh. Thường xuyên đưa tin, bài phản ánh đầy đủ về an toàn thực phẩm thủy sản và truyền thông, quảng bá thực phẩm thủy sản an toàn.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện cam kết theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT BNNPTNT. Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân và Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thủy sản đối với hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản, góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời việc sản xuất, kinh doanh chất cấm, sản phẩm thủy sản kém chất lượng.

9. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản:

- Rà soát các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu nói chung và vào EU nói riêng.

- Chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường, trong đó có EU (thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế nguyên liệu, bán thành phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm), định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở cung cấp nguyên liệu.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu vào EU chủ động nâng cấp điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị, thiết lập quy trình quản lý chất lượng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và EU. Thực hiện đăng ký cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu vào EU để được thẩm định, đánh giá bổ sung vào Danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.