Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đạt được một số kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT: Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU, Đảng ủy Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch lãnh đạo chuyên môn chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ CĐS theo quan điểm, mục tiêu của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS được ngành triển khai đồng bộ cả về quản lý giáo dục (QLGD), quản trị nhà trường và đổi mới phương thức, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá trên nền tảng công nghệ. Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL), các nền tảng số QLGD, quản trị trường học từng bước được xây dựng, triển khai đồng bộ, thống nhất, phục vụ đầy đủ mọi đối tượng từ cán bộ quản lý, đến giáo viên (GV), học sinh và phụ huynh.

Giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS Cao Bá Quát (Thuận Bắc) ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Để Nghị quyết số 09-NQ/TU được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cùng với ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, Đảng ủy Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT lồng ghép việc kiểm tra, giám sát nội dung CĐS tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trong các cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyên môn; hằng năm, có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ ứng dụng CNTT và CĐS đối với các CSGD trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 393/QĐ-UBND ngày 7/4/2022 ban hành kế hoạch CĐS, ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT; kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS, ứng dụng CNTT với 4 công chức thuộc cơ quan sở và 2 GV Tin học thuộc các trường THPT; chỉ đạo các CSGD thành lập Tổ CNTT; tập huấn nghiệp vụ CNTT từ năm 2020 đến nay cho gần 5.000 lượt cán bộ, GV, nhân viên.

Về phát triển nền tảng số, năm 2021, Sở GD&ĐT xây dựng trục CSDL QLGD cấp địa phương (Hệ chương trình QLGD Ninh Thuận) với mục tiêu QLGD một cách toàn diện, liên thông từ cấp sở, phòng đến từng CSGD trên địa bàn tỉnh; từng bước tích hợp các nền tảng đang chạy độc lập để phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng và hướng đến việc hình thành kho dữ liệu lớn để áp dụng các mô hình giáo dục thông minh, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Hệ thống CSDL này đang từng bước đồng bộ và liên thông với CSDL của Bộ GD&ĐT. Đối với nội dung phát triển kinh tế số, điểm nổi bật hiện nay là Sở GD&ĐT đang nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào hoạt động QLGD và dạy học trong năm học 2023-2024 với ứng dụng Chatbot - Kami Brain.

Giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS Cao Bá Quát (Thuận Bắc) ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Qua thực hiện các nội dung CĐS, đến nay, 100% hồ sơ công việc của ngành được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% CSDL ngành đã hoàn chỉnh và khai thác, sử dụng triệt để trên các nền tảng CĐS và được liên thông với các cấp học, dữ liệu đã được đồng bộ xác thực với CSDL quốc gia; tỷ lệ thu học phí không dùng tiền mặt đạt 44,3%. Sở GD&ĐT cũng đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm để triển khai xây dựng nền tảng đô thị thông minh. Đến tháng 6/2023, dữ liệu định danh cá nhân của học sinh và cán bộ, GV, nhân viên toàn ngành xác thực thành công với CSDL quốc gia về dân cư đạt trên 99,5%... Tuy vậy, hạn chế, khó khăn của ngành là công tác chuyển đổi quy trình, nghiệp vụ quản lý còn chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình CĐS; năng lực số của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; trang thiết bị CNTT và hạ tầng mạng, hạ tầng máy chủ dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu để phục vụ cho nền tảng dạy học trực tuyến, kho học liệu...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CĐS lĩnh vực GD&ĐT, tại buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát 1521 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Đảng ủy Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng, tích hợp các phần mềm trên một nền tảng duy nhất và có sự tương tác với nhau, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho GV, học sinh, phụ huynh khai thác, sử dụng; phối hợp với các đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ, phần mềm QLGD và các CSGD hướng dẫn cập nhật, điều chỉnh CSDL nâng cao chất lượng CSDL của ngành theo hướng đảm bảo tính tin cậy; phấn đấu đến năm 2025 đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra.