Rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân

Ngày 25/8/2023, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành văn bản số 3560/UBND-VXNV của UBND tỉnh về việc rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu rõ: Thực hiện Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 08/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân;

Nhằm chủ động ứng phó với tình hình thiên tai trong mùa mưa bão sắp tới góp phần hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số công việc sau đây:

1. Chủ động xây dựng, triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 11/7/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (điều chỉnh, bổ sung) phù hợp với đặc điểm địa phương.

2. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai như: Áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai có thể xảy ra để thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân chủ động ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến đời sống dân sinh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở nơi không an toàn, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời có phương án đảm bảo hậu cần và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm sơ tán.

Người dân ở Phước Diêm (Thuận Nam) cần cẩn thận khi tắm biển vào thời tiết xấu . Ảnh: Văn Nỷ

3. Chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và chuẩn bị phương án cứu trợ thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương; huy động nguồn lực cứu trợ thiên tai tại chỗ; đảm bảo nhu yếu phẩm để ổn định đời sống Nhân dân trước, trong và sau thiên tai; hướng dẫn Nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khác khi mùa mưa bão đến.

4. Theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại về: người chết, người mất tích, người bị thương; nhà đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng và tình hình thiếu lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt để báo cáo cơ quan có thẩm quyền kịp thời hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Quan tâm các đối tượng là người có công, gia đình chính sách, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng trợ giúp xã hội khác, bảo đảm không để người dân bị thiếu đói, không có chỗ ở; kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại và thực hiện các giải pháp đồng bộ khác để ổn định đời sống dân sinh và phát triển sản xuất.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp triển khai thực hiện phương án trợ giúp xã hội; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng theo quy định hiện hành. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả tình hình thực hiện phương án trợ giúp xã hội; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân gửi về Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định.