Đảng bộ huyện Ninh Phước: Qua nửa nhiệm kỳ đại hội

Ninh Phước là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Nhận định rõ tiềm năng, thế mạnh nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Ninh Phước đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực có lợi thế, tạo sức bật để phát triển.

Trở lại vùng sản xuất tập trung rau an toàn ứng dụng CNC tại xã An Hải, Phước Hải chúng tôi ghi nhận sự đổi thay nơi đây. Khó ai nghĩ vùng đất cát bạc màu, nay đã trở thành vùng chuyên canh măng tây xanh hữu cơ tập trung với diện tích lên đến 200 ha. Với quy hoạch rõ ràng và sự quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất của tỉnh, của huyện, nông dân địa phương yên tâm liên kết với hợp tác xã và doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất gắn với phát triển du lịch. Ước đến cuối năm 2023, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích của huyện đạt 223,6 triệu đồng/ha, tăng 1,15 lần/ha so với năm 2020.

Diện mạo nông thôn mới xã Phước Thái ngày càng khởi sắc. Ảnh: V.M

Là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay đầu nhiệm kỳ, Ninh Phước đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về nâng cao chất lượng huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Qua đó, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn huyện có 16 thôn đạt chuẩn NTM, 3 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 5/8 xã đạt NTM nâng cao. Phát huy giá trị văn hóa đặc sắc vùng có đông đồng bào Chăm sinh sống, huyện luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Chăm địa phương. Minh chứng cụ thể đó là tháng 11/2022 vừa qua, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, huyện Ninh Phước đã có 8/20 chỉ tiêu đạt và vượt; 12/20 chỉ tiêu đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt kết quả cao như tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,28%; tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản còn 24,91%/29,57%; ngành công nghiệp và xây dựng đạt cao 45,89%/36,74%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1,15%, cao hơn chỉ tiêu đề ra 1%. Đây là nền tảng quan trọng để Ninh Phước tiếp tục phát huy nội lực, đạt được những kết quả cao hơn so với kế hoạch.

Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ huyện đã bám sát các chủ trương, nghị quyết nhiệm vụ công tác trọng tâm của nhiệm kỳ để triển khai thực hiện có kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến cuối nhiệm kỳ địa phương tập trung thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất, chế biến các sản phẩm có lợi thế gắn chuỗi giá trị liên kết, du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo; khai thác, sử dụng có hiệu quả các hạ tầng được đầu tư, các hạ tầng mới, các nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia; nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả...

Cùng với đó huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo hướng bền vững, hiệu quả, mục tiêu đến năm 2025, thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV và nâng cao chất lượng huyện NTM. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục có liên quan, về đất đai, đầu tư...; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, phát triển đô thị, bảo vệ rừng, nhất là các khu vực triển khai các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách...; chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Triển khai các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử, nâng chất lượng tổ chức các lễ hội tại địa phương.