Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ chiến lược và thiết lập đối tác kinh tế, kinh tế xanh năm 2023 là những dấu ấn quan trọng tạo tiền đề cho những hợp tác sâu sắc, toàn diện giữa hai nước; trở thành một điển hình hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trong khu vực.
Vượt trở ngại, tạo dựng lòng tin chiến lược
Ngày 1/8/1973, hai nước Việt Nam và Singapore thông báo chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1978, trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng (1/1978), hai nước ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ.
Hai nước bước vào giai đoạn xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, phải 20 năm sau, hai nước mới thực sự vượt qua được những trở ngại đưa quan hệ hợp tác song phương bước vào giai đoạn phát triển mới với một lòng tin chiến lược ngày càng được củng cố, phát triển sâu rộng. Sự kiện được coi là đánh dấu cột mốc chuyển trạng thái trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore là chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt tháng 11/1991.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, trong chuyến thăm chính thức Singapore năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã bày tỏ mong muốn nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu làm cố vấn kinh tế cấp cao cho Chính phủ Việt Nam. Đáp lại lời đề nghị, ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, đưa ra lời khuyên về chiến lược kinh tế vĩ mô.
Hoạt động hiệu quả của các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác thành công giữa hai nước. Trong ảnh: Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng đạt tỷ lệ lấp đầy 72%. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Singapore đã cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam để nghiên cứu thực địa và đưa báo cáo khuyến nghị. Chính phủ Singapore thành lập Quỹ hỗ trợ trị giá 10 triệu đô la Singapore (SGD) để giúp đào tạo cán bộ Việt Nam. Sự hỗ trợ kịp thời của Singapore dành cho Việt Nam trong những ngày đầu đổi mới kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển sau này của đất nước.
Nhìn nhận về chuyến thăm chính thức Singapore năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore Dương Văn Quảng (giai đoạn 9/2003 - 7/2007) cho rằng: Kể từ thời điểm đó, Singapore đã nhìn thấy ở Việt Nam là một đối tác tin cậy, một đối tác cần phát triển quan hệ song phương, đồng thời cũng là một đối tác để xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành một khối có đầy đủ 10 quốc gia như hiện nay.
Chưa đầy 2 năm sau chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, quan hệ hai nước tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới với một chuyến thăm cũng mang tính lịch sử, đó là chuyến thăm chính thức Singapore của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười vào tháng 10/1993. Sự kiện ngoại giao nổi bật trong năm hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao khi lần đầu tiên Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm Singapore. Báo chí Singapore thời điểm đó nhấn mạnh “đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước”.
Đối tác Chiến lược sâu, rộng
Năm 2004, Việt Nam và Singapore đã ký "Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21", tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tháng 9/2012, trước thềm kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước và sau gần 20 năm kể từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đỗ Mười, lần thứ hai, quốc đảo Singapore đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ba ngày từ 12 - 14/6/2012.
Trong chuyến thăm, các Nhà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi về những phương hướng, biện pháp lớn, nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Singapore cả trên phương diện song phương và đa phương. Hai bên nhất trí cao về chủ trương nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược và tích cực chuẩn bị để ký kết Hiệp định về Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore vào năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trên cơ sở đó và các thành tựu quan trọng đạt được giữa hai nước trong 40 năm, ngày 11/9/2013, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã có quyết định lịch sử trong quan hệ giữa hai quốc gia, đó là chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Singapore thành Đối tác Chiến lược.
Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, quan hệ Việt Nam - Singapore đã thực sự đi vào chiều sâu trên cả 5 trụ cột, gồm: Làm sâu sắc quan hệ chính trị tin cậy lẫn nhau; tăng cường hợp tác kinh tế; nâng cao hợp tác an ninh quốc phòng; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, đa phương.
Quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song hai bên vẫn duy trì hiệu quả, linh hoạt việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Việc duy trì Cơ chế tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao đã giúp tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa hai Bộ Ngoại giao, tạo cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
Đánh giá quan hệ Việt Nam - Singapore trong 50 năm qua và nhất là 10 năm xác lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, mối quan hệ hai nước là tấm gương để các nước ASEAN cũng như các nước trên thế giới thấy được giá trị của hợp tác hòa bình, ý thức trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Điểm sáng hợp tác kinh tế
Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Thành quả của hợp tác chính trị với sự tin cậy cao giữa Việt Nam - Singapore thể hiện rất rõ trong 50 năm qua, đặc biệt trong thập kỷ qua, khi tính đến hết tháng 6/2023, Singapore giữ vững vị trí dẫn đầu ASEAN, đứng thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.200 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 73,4 tỷ USD.
Các dự án đầu tư của Singapore có mặt tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp sau là Hà Nội, Bắc Ninh… tập trung các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, máy điều hòa không khí. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 150 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 700 triệu USD, tập trung các lĩnh vực, như khoa học - công nghệ, bán buôn bán lẻ, thông tin truyền thông…
Các Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hiện có 12 VSIP tại 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các VSIP đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao (khoảng trên 83%), thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư, tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp.
Trong những năm dịch COVID-19 hoành hành, Singapore là một trong những nhà đầu tư kiên cường nhất và đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Phó Giáo sư Vũ Minh Khương nhận định, trong thời gian tới, đầu tư của Singapore vào Việt Nam sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Singapore cũng được hưởng lợi trong thành quả đi lên của Việt Nam.
Singapore là một trong những thị trường hàng không quan trọng với Việt Nam. Ngay khi cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, hai nước đã dần dỡ bỏ các hạn chế đi lại với nhau. Các hãng Hàng không của Việt Nam và Singapore cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại chở khách giữa hai nước. Trong 11 tháng của năm 2022, Việt Nam đón hơn 134 nghìn lượt khách Singapore, trong khi Singapore đón hơn 285 nghìn lượt khách Việt Nam. Những tín hiệu tích cực này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, giao thương giữa hai nước.
Trong các chuyến thăm cấp cao gần đây, Lãnh đạo hai bên đã nhất trí về một số phương hướng hợp tác lớn, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, hợp tác theo chuỗi trong sản xuất.
Chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 2/2023 đã khẳng định đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có sự tham gia của hai nước có hiệu lực và đi vào triển khai, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong chuyến thăm, điểm nhấn là việc hai bên ký kết biên bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore, tạo tiền đề cho triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hai bên đã nhất trí về các biện pháp thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường tiếp cận với nguồn vốn đầu tư và tài chính, trong đó có tài chính xanh; mở rộng và phát triển các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Việt Nam theo hướng xanh, thông minh, bao trùm, tiết kiệm năng lượng.
Lãnh đạo Singapore đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Quyết định chấp thuận đầu tư cho khu công nghiệp VSIP Nghệ An II, thể hiện quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước.
Nửa thế kỷ hợp tác phát triển, trong đó có 10 năm là Đối tác chiến lược của nhau, mối quan hệ hợp tác gắn kết hết sức tự nhiên giữa hai đất nước Việt Nam - Singapore đang mang đến những kết quả rực rỡ, là điểm sáng tiêu biểu tại khu vực Đông Nam Á. Đây chính là hành trang vững chắc cho quan hệ song phương hai nước trong giai đoạn mới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức