Côn Đảo - vùng đất thiêng liêng ghi dấu sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của các Anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Trong các cuộc chiến đấu khốc liệt ấy, có biết bao thế hệ cha anh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã không tiếc máu xương và tuổi thanh xuân, dâng hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên mảnh đất Côn Đảo linh thiêng, hàng vạn những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể bởi những đòn tra tấn khốc liệt của kẻ thù.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ giỗ các anh hùng liệt sỹ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Năm tháng trôi qua, nhưng những đóng góp to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước đã ngã xuống sẽ mãi mãi ghi vào những trang sử vàng của dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt, sẽ mãi là khúc ca bi tráng về một thời đau thương của dân tộc mà không một người Việt Nam nào được phép lãng quên.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
* Sáng 19/7, tại Nghĩa trang Hàng Dương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đã thành kính dâng hương, tưởng niệm, viếng các Anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh tại Côn Đảo. Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương. Đặc biệt, tới dự buổi Lễ trang trọng này còn có gần 80 cựu tù chính trị Côn Đảo từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cựu tù chính trị Côn Đảo đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trọn đời mình cho quê hương, Tổ quốc. Vòng hoa tươi thắm của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sỹ".
Tại đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu và thắp hương tri ân tại phần mộ các nhà yêu nước, các Anh hùng, liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo nắng gió, kiên cường.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tại phần mộ Liệt sỹ, Anh hùng LTVT nhân dân Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
* Sau lễ dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đã dự Lễ giỗ các Anh hùng liệt sỹ, Chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo. Sự kiện được tổ chức trang trọng tại Đền thờ Côn Đảo.
Sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nguyện chuông kính cáo và dâng hương khai lễ, các đại biểu đã làm lễ chào cờ và dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những Anh hùng liệt sỹ, Chiến sỹ cách mạng cùng đồng bào yêu nước đã hy sinh, dâng hiến cuộc đời cho non sông Tổ quốc.
Phát biểu tri ân tại Lễ giỗ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, nhấn mạnh, chính nơi này của 71 năm trước, nữ anh hùng Võ Thị Sáu hiên ngang trong phút tử hình lúc 7 giờ sáng ngày 23/01/1952 với câu nói bất hủ: “tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”.
Di tích Nghĩa trang Hàng Dương với 1.922 ngôi mộ; Đền thờ Côn Đảo ghi danh 2.284 liệt sỹ lên bia đá, nhưng mảnh đất này và ngoài biển khơi vẫn còn biết bao những người con ưu tú của dân tộc đã hóa thân vào cát bụi. Sự hy sinh to lớn của bao thế hệ người tù Côn Đảo là những trang sử hào hùng của dân tộc bằng chính tình yêu quê hương đất nước. Khí phách kiên cường của những người yêu nước, những chiến sỹ cách mạng đã biến “Hòn Đảo địa ngục” trở thành “Bản anh hùng ca” giữ nước của dân tộc.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự cuộc gặp mặt 76 đại biểu là các cựu tù chính trị Côn Đảo.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các cựu tù chính trị Côn Đảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Báo cáo với Chủ tịch nước, đại diện Ban liên lạc Chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày cho biết, thời gian qua, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ban liên lạc đã từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức, tích cực hoàn thiện chính sách hỗ trợ; chăm lo sức khỏe cho các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày. Nhờ vậy, các chiến sỹ cách mạng cải thiện được đời sống, tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu, thế hệ trẻ về nhiệt huyết cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.
Đại diện các cựu tù chính trị Côn Đảo phát biểu đều bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Ban liên lạc toàn quốc Chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày. Nhắc lại những năm tháng gian lao trong ngục tù, giữ trọn khí tiết trước đòn roi kẻ thù, các đại biểu cũng bày tỏ xúc động, bồi hồi nhớ lại các đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại nơi đây; đồng thời khẳng định tiếp tục bồi dưỡng tinh thần yêu nước và cách mạng cho lớp người sau; góp phần xây dựng đất nước, quê hương bằng những việc làm cụ thể thiết thực, phù hợp với khả năng của mình.
Xúc động gặp mặt các đại biểu vào dịp cả nước kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ sự ngưỡng mộ, trân trọng trước những mất mát hy sinh to lớn của các cựu tù chính trị Côn Đảo. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Côn Đảo được coi là “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù khét tiếng. Nhưng cũng chính từ dây thép gai của nhà tù đã làm bộc lộ và sáng rõ phẩm chất cách mạng kiên cường của các chiến sỹ và đồng bào yêu nước, biến nhà tù khổ sai thành trường học cách mạng, nơi giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, hun đúc ý chí quyết tâm đấu tranh giải phóng đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu chụp ảnh chung với các cựu tù chính trị Côn Đảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước cho biết, hiện cả nước còn hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt, tù đày; trong số đó, có các cựu tù chính trị Côn Đảo có mặt tại buổi gặp gỡ lần này. Dù mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, sống chung với thương tích nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Câu chuyện về cuộc đời đấu tranh của các cựu tù chính trị đã khẳng định phẩm chất cách mạng cao đẹp, thể hiện tinh thần: “Sống trong tù thì kiên trung bất khuất, sống ngoài đời thì tình nghĩa, thủy chung”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho biết thêm, sau gần 50 năm thống nhất đất nước, cả nước có trên 9 triệu người có công. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo cho người có công với các chế độ từng bước được nâng cao; thể hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách chăm lo cho người có công; tăng cường hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là quy tập hài cốt liệt sỹ, tu bổ các nghĩa trang, tổ chức thêm các chuyến về thăm đồng đội xưa và các đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ.
Chủ tịch nước hoan nghênh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đã đầu tư, nâng cấp, phát triển Côn Đảo trở thành địa điểm du lịch lịch sử, tâm linh rất ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách, con em gia đình liệt sỹ, đồng bào cả nước đến thăm quan, học tập, tưởng nhớ các liệt sỹ, đồng bào yêu nước tại đây. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn thiên nhiên, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, giáo dục truyền thống thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đề nghị Ban Liên lạc các Chiến sỹ cách mạng bị bắt tù đày phát huy thành quả hoạt động, thực sự trở thành nơi đoàn kết, gắn bó các cựu tù chính trị Côn Đảo, Chủ tịch nước cũng mong muốn các cựu tù chính trị Côn Đảo cả nước tiếp tục phát huy ý chí, phẩm chất cách mạng cao quý, quan tâm, góp ý với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đã tới tham quan Bảo tàng Côn Đảo và Di tích Trại giam Phú Hải.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu thăm Bảo tàng Côn Đảo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Với 2.000 tư liệu, hiện vật trưng bày, Bảo tàng Côn Đảo giới thiệu mảnh đất, con người Côn Đảo qua các thời kỳ lịch sử; tái hiện lịch sử đấu tranh tại nhà tù Côn Đảo; trưng bày hình ảnh, chân dung những người yêu nước, những hình ảnh tù nhân bị giam cầm, tra tấn, đày đọa trong một chế độ nhà tù khắc nghiệt lớn nhất Đông Dương. Trại Phú Hải là trại giam cổ nhất, được Pháp lập từ năm 1862 với tên là Bange 1 với 10 phòng giam tập thể, trong đó có 1 phòng tử hình, 20 hầm đá biệt giam, 2 hầm xay lúa đồng thời là phòng trừng giới và 1 khu đập đá. Những người cộng sản bị giam giữ ở khu vực này đã tổ chức học tập lý luận và văn hóa một cách bài bản để nuôi dưỡng ý chí cách mạng.
Tham quan các hiện vật, viết lưu bút tại Bảo tàng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Chúng ta phải luôn giữ gìn, phát huy những giá trị to lớn của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo xứng tầm là: “Trường học cách mạng”, nơi truyền lửa, thắp sáng bầu nhiệt huyết cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước mãi mãi trường tồn, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu thăm Di tích trại Phú Hải. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tới thăm hỏi, tặng quà gia đình ông Nguyễn Xuân Viên, sinh năm 1944, cựu tù chính trị, hiện sinh sống tại khu 7 huyện Côn Đảo; thăm gia đình cụ Lê Thị Diệm, sinh năm 1940 là gia đình có công với cách mạng, vợ liệt sỹ, sinh sống tại Côn Đảo từ 1996.
Theo TTXVN/Báo Tin tức