Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng

Ngày 18/7/2023, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành văn bản số 2913/UBND-VXNV của Chủ tịch UBND tỉnh gởi các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng.

Văn bản nêu: Bệnh Tay chân miệng là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, lưu hành quanh năm tại Ninh Thuận và thường xuất hiện ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 05 tuổi và có khả năng lây lan thành dịch lớn.

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 20.943 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Tại tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 14/7/2023 ghi nhận 73 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ 2022 (73/27); Trong đó có 15 trường hợp nặng đe dọa tử vong (độ 2b), kết quả phân lập vi rút phát hiện vi rút Enterovirus type EV71 (EV71 là type virút có độc lực cao, rất dễ gây tử vong và gây thành dịch lớn). Dự báo trong thời gian tới, bệnh Tay chân miệng có thể gia tăng trên địa bàn tỉnh do tính chất lây truyền của bệnh, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, cùng với việc thực hành rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng không được thực hiện thường xuyên.

Để chủ động và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh Tay chân miệng, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe và tính mạng của người dân; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện những nội dung sau đây:

1. Sở Y tế:

- Tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh Tay chân miệng tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nhà trẻ, cơ sở mầm non và trong cộng đồng để có biện pháp xử lý sớm, không để bùng phát thành dịch lớn.

- Lập kế hoạch và triển khai thực hiện phòng, chống bệnh Tay chân miệng trên địa bàn tỉnh; Tổ chức đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở phòng bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc để bổ sung đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh Tay chân miệng.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; Tăng cường công tác theo dõi người bệnh Tay chân miệng đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các trường hợp bệnh có diễn biến nặng, hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch “ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch”; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Tổ chức kiểm tra và giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng tại các địa phương; Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ động phối hợp ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đầy đủ nước uống, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Giáo viên Trường mẫu giáo Phước Mỹ (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) vệ sinh sạch sẽ lớp học. Ảnh: Văn Nỷ

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài PTTH tỉnh: Phối hợp với ngành Y tế tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh Tay chân miệng và các biện pháp phòng, chống cho cá nhân, cộng đồng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục; đa dạng hóa các hình thức truyền thông tới người dân như tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, họp tổ dân phố, phát trên loa phát thanh xã, phường, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi.

4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí được bố trí trong dự toán chi ngân sách năm 2023 để thực hiện công tác y tế dự phòng đảm bảo theo quy định.

5. UBND các huyện, thành phố: Chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống Tay chân miệng trên địa bàn phụ trách; Chỉ đạo các ban, ngành, UBND xã, phường, thị trấn chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Tay chân miệng hiệu quả trên địa bàn quản lý, tập trung vào các địa bàn có số trường hợp mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp, hỗ trợ Ngành Y tế trong công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên trong cơ quan, đơn vị và nhân dân các địa phương tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Tay chân miệng.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung trên. Giao Sở Y tế theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh có liên quan./.