Tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”

Ngày 10/7/2023, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh đã ký ban hành văn bản số 2766/BCĐ-TCD về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”.

Văn bản nêu rõ: Để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người tại địa phương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ tại Công văn số 2053/BCĐ138/CP ngày 24/6/2023 (về tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”), Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị nêu trên tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng ; xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”; triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh (từ ngày 01/7/2023 đến hết 30/9/2023).

2. Công an tỉnh:

Phát huy vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh trong tham mưu, điều phối triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” tại địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (dự kiến vào ngày 30/7/2023); Tổ chức tổng kết 12 năm thi hành Luật phòng, chống mua bán người năm 2011.

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm mua bán người, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, kết quả triển khai Đề án 06/CP và phát huy vai trò của lực lượng Công an xã/phường/thị trấn trong công tác phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác nắm tình hình, quản lý cư trú, quản lý đối tượng,... tại địa bàn cơ sở. Thực hiện tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.

Chỉ đạo lực lượng chức năng quyết liệt triển khai các mặt công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; thực hiện tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người; xác lập, điều tra, triệt phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu đề xuất khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” theo quy định.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài ở khu vực tuyến biển; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biển, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được giải cứu; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong số công dân được lực lượng chức năng trao trả hoặc tự trở về.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, nhất là trong quá trình tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội và quảng bá rộng rãi số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, đồng thời là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111). Tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.

Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động nhắn tin tuyên truyền hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, nội dung nhắn tin: “Toàn dân tích cực tham gia phòng, chống mua bán người. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan hãy thông báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời”.

Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an chuẩn hóa thông tin thuê bao (SIM điện thoại) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tăng cường kiểm soát, xác thực các tài khoản trên mạng xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng đối tượng có thể lập tài khoản ảo, giả mạo thông tin người khác để thực hiện hành vi lừa gạt nạn nhân, mua bán người. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”, giúp trẻ em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị lạm dụng, trở thành nạn nhân bị mua bán.

6. Sở Tư pháp quản lý chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho, nhận con nuôi nhằm chủ động phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người. Thực hiện tốt công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bị mua bán.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch, hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm chủ động phát hiện việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người; tổ chức, hướng dẫn tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Chỉ đạo lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật bằng hình thức phù hợp; phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trong tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, gắn với phong trào xây dựng tổ dân phố, khu dân cư văn hóa.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát nội dung, tăng cường thời lượng giáo dục kỹ năng sống, pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học, lứa tuổi. Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người cho học sinh, sinh viên và hướng dẫn học sinh, sinh viên biết cách khai thác, sử dụng mạng xã hội hiệu quả, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa gạt, lôi kéo của tội phạm mua bán người.

9. Sở Tài chính phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình phòng, chống mua bán người trong theo đúng quy trình, quy định.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tập trung tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người; đa dạng hóa hình thức để thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người, tập trung phát sóng vào khung giờ có nhiều người theo dõi; chủ động xây dựng, phát sóng, đăng tải các phim phóng sự, tin bài, tọa đàm về chủ đề phòng, chống mua bán người; đưa tin về các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”.

11. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người theo quy định của pháp luật.

12. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên, công nhân lao động,... tích cực tham gia phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng; nhân rộng mô hình công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, góp phần ổn định cuộc sống, tạo việc làm, ổn định thu nhập, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” tại địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; triển khai các hoạt động truyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chủ đề phòng, chống mua bán người.

13. UBND các huyện, thành phố (Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố):

Tỏ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình Mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương,... giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Chỉ đạo các phòng ban, UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người trên địa bàn. Chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa phương; tích cực đấu tranh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống tội phạm mua bán người xảy ra trong khu vực nội địa. Bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chỉ đạo triển khai đợt cao điểm truyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người tại địa phương. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người (qua hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, các trang mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng,...) và chú trọng vào các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh. Tổ chức tuyên truyền trực quan tại cơ quan, các tuyến phố, cộng đồng dân cư hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”.

NT