Tiếp thêm động lực cho người khuyết tật

Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chính sách bảo trợ đối với người khuyết tật (NKT), các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các nguồn lực để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để NKT được hưởng đầy đủ quyền lợi và sớm hòa nhập cuộc sống.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ xe lắc,
giúp em Hồ Nhơn Tiên có phương tiện mưu sinh tốt hơn.

Theo thống kê năm 2021 toàn tỉnh có 15.216 NKT (trong đó, có 6.289 NKT vận động; 933 NKT nghe và nói; 1.120 NKT thần kinh; 1.773 NKT trí tuệ và 2.540 NKT dạng khác). Bằng nhiều hoạt động cụ thể, tỉnh ta chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe cho NKT. Thực hiện Luật NKT, hằng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NKT nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về quyền, nghĩa vụ của NKT, từ đó có những việc làm và hành động thiết thực chăm lo cho NKT. Hiện nay, 100% NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc theo quy định. Các cơ sở y tế ngày càng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ trong đó có NKT. Khi NKT đến khám, chữa bệnh đều được ưu tiên bố trí riêng bàn khám bệnh, được nằm giường riêng. Tích cực tuyên truyền, vận động phụ huynh có trẻ khuyết tật có khả năng học tập đưa trẻ đến trường, tạo cơ hội cho trẻ được can thiệp giáo dục sớm để hòa nhập cộng đồng. Sở LĐ-TB&XH chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) công tác xã hội ở cơ sở, nhằm đánh giá các vấn đề liên quan đến trẻ khuyết tật như: Trợ giúp trẻ khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; chi trả các chế độ bảo đảm đúng thời gian, đúng chế độ. Ngoài ra, các cơ sở y tế tổ chức thực hiện các đề án sàng lọc trước sinh, trong và sau sinh để phát hiện sớm các khuyết tật bẩm sinh cũng như các bất thường của trẻ sau sinh. Cùng với đó, từ nguồn xã hội hóa, các hội, đoàn thể đều chung tay “tiếp sức” hỗ trợ NKT. Đơn cử như Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, trong 6 tháng đầu năm đã khám sàng lọc được 200 lượt người, lập hồ sơ phẫu thuật tim được 8 bệnh nhân; đã phẫu thuật 5 ca với tổng kinh phí phẫu thuật 650 triệu đồng; phối hợp với Tổ chức Children Action cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sàng lọc cho 131 đối tượng đến 16 tuổi mắc dị tật vận động do tật xương khớp (chân khèo, chân vòng kiềng...). Hội Chữ thập đỏ Tp. Phan Rang- Tháp Chàm trao tặng 15 xe lăn cho các NKT nặng... Những hoạt động ý nghĩa đó tạo cơ hội giúp NKT vượt qua khó khăn, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Đã có không ít NKT khi được “tiếp sức” sử dụng sức lao động nuôi sống bản thân, gia đình, đóng góp tích cực cho xã hội. Điển hình có anh Hồ Nhơn Tiên, khu phố 1, phường Đạo Long (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) không may bị dị tật bẩm sinh, hai chân teo dần. Dẫu mang khiếm khuyết cơ thể, nhưng anh vượt mặc cảm cố gắng theo học hết lớp 5, biết đọc, biết viết. Không để khiếm khuyết bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình, ngay từ nhỏ Tiên đã nhận vé số đi bán, kiếm thêm thu nhập, tự chủ cuộc sống. “Chắp cánh” thêm nghị lực cho Tiên, Hội Chữ thập đỏ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm kịp thời hỗ trợ chiếc xe lắc, giúp em có phương tiện mưu sinh tốt hơn. Cha mẹ già yếu, bệnh tật thường xuyên nên anh là nguồn thu nhập chính gia đình. Nhờ có nghề bán vé số mà anh Tiên không chỉ nuôi sống bản thân mà còn lo được cho gia đình với thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Anh Tiên chia sẻ: Cảm giác kiếm tiền từ chính sức lao động của mình thật sự rất hạnh phúc. Với quan niệm “tàn nhưng không phế”, anh Tiên cùng nhiều NKT trên địa bàn tỉnh ngày dần vơi đi nỗi mặc cảm, tự ti về bản thân, tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền đời sống của NKT từng bước được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của gia đình và xã hội. Cùng với các chính sách chung của Nhà nước, sự chăm lo của các cấp hội, rất mong sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tạo điều kiện giúp NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng. Riêng bản thân NKT phải gạt bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, chủ động vươn lên, mạnh dạn liên hệ với cơ quan, chính quyền các cấp, cơ sở dạy nghề để nắm bắt thông tin về chính sách, pháp luật dành cho NKT và các chương trình, dự án hỗ trợ dành cho NKT.

Khiếm khuyết là điều không ai muốn, vì thế trên hành trình vượt qua khó khăn, chinh phục ước mơ, những NKT luôn mong nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, người thân và xã hội.