Kế hoạch trồng rừng thay thế giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh

Ngày 2/7/2023, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký ban hành Kế Hoạch số 2651/KH-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về Kế hoạch trồng rừng thay thế giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

1. Mục đích:

Đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chú trọng bảo vệ, phát triển vốn rừng hiện có và trồng rừng mới, phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như của đất nước, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 49% góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ, Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 (theo đó xác định chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt 49%).

2. Yêu cầu:

Diện tích đất trống dự kiến trồng rừng thay thế từ nguồn kinh phí do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều chuyển để thực hiện trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 199/QĐ-UBND tỉnh ngày 28/6/2018; Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 19/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025 và phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030 của các đơn vị chủ rừng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Cây Thanh Thất được trồng phát triển tốt tại rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ

3. Quy mô thực hiện:

- Tổng diện tích dự kiến trồng rừng thay thế giai đoạn 2023-2025: 1.121 ha, trồng trên diện tích đất thuộc các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý; trong đó:

+ Diện tích dự kiến thực hiện năm 2023: 400 ha, gồm: rừng đặc dụng 150 ha, rừng phòng hộ 250 ha.

+ Diện tích dự kiến thực hiện năm 2024: 401 ha, gồm: rừng đặc dụng 200 ha, rừng phòng hộ 201 ha.

+ Diện tích dự kiến thực hiện năm 2025: 320 ha, gồm: rừng đặc dụng 150 ha, rừng phòng hộ 170 ha.

- Loại rừng trồng:

+ Trồng rừng dặc dụng: 500 ha.

+ Trồng rừng phòng hộ: 621 ha.

Giải pháp thực hiện:

1. Giải pháp kỹ thuật:

- Hiện trường: Rà soát quỹ đất, xác định đối tượng đất đưa vào trồng rừng thay thế là diện tích đất trống, đất chưa có rừng, không có khả năng tự tái sinh thành rừng.

- Thời vụ trồng rừng: Từ tháng 9 - 11 hàng năm.

- Loài cây trồng:

+ Đối với rừng đặc dụng: Thông 3 lá.

+ Đối với rừng phòng hộ: Thông 3 lá, Thanh Thất, cây bản địa khác.

2. Giải pháp đất đai:

Quỹ đất dự kiến trồng rừng thay thế là diện tích đất trống, đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận quản lý.

3. Giải pháp nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực:

- Nguồn vốn: Từ nguồn kinh phí điều chuyển từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.

- Nguồn nhân lực: Tập thể viên chức quản lý bảo vệ rừng, người lao động của các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ và thuê nhân công là các, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân sống trên địa bàn các khu vực dự kiến trồng rừng thay thế.

4. Thời gian thực hiện:

- Xây dựng hồ sơ dự toán, thiết kế công trình lâm sinh trồng rừng và trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện trồng rừng theo quy định, đáp ứng điều kiện, mùa vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, đôn đốc tiến độ trồng rừng, tổng hợp báo cáo tiến độ trồng rừng, trong tháng 12 hàng năm.

Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế hàng năm trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều chuyển và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư trồng rừng thay thế cho các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì thẩm định Phương án trồng rừng thay thế, dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế của các chủ dự án và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức nghiệm thu hoàn thành trồng rừng thay thế.

- Hàng năm, trước ngày 15 tháng 12, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Lâm nghiệp kết quả thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh theo Mẫu số 01 phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chi cục Kiểm lâm:

- Kiểm tra, hướng dẫn, đảm bảo chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy đối với diện tích rừng trồng thay thế trên địa bàn.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng thay thế của các đơn vị, tổ chức được giao kinh phí trồng rừng thay thế.

3. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh:

- Tiếp nhận, giải ngân tiền trồng rừng thay thế từ nguồn kinh phí do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều chuyển.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng thay thế của đơn vị, tổ chức được giao kinh phí trồng rừng thay thế.

- Hàng năm, trước ngày 15 tháng 12, báo cáo cơ quan chủ quản về kết quả tiếp nhận và giải ngân nguồn kinh phí trồng rừng thay thế từ nguồn kinh phí do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều chuyển theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Chủ dự án và các tổ chức, cá nhân được giao là chủ đầu tư trồng rừng thay thế:

- Xây dựng dự toán, thiết kế trồng rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Thực hiện trồng rừng thay thế đến khi được nghiệm thu hoàn thành, tổ chức quản lý rừng trồng thay thế theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Trong giai đoạn đầu tư, trước ngày 30 tháng 11 hàng năm báo cáo kết quả trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng thay thế về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.