Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bác Ái

Huyện Bác Ái có 9/9 xã thuộc khu vực III, trong đó có 35/38 thôn đặc biệt khó khăn, gồm 10 dân tộc anh em đang sinh sống. Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Đến thôn Rã Giữa, xã Phước Trung hỏi ông Mai Liên ai cũng biết bởi ông là NCUT trên địa bàn. Ngoài việc vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Raglai, ông còn tích cực tham gia hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống giữa các gia đình, các tộc họ. Bên cạnh đó, ông tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Bản thân ông cũng đi đầu trong phát triển sản xuất để bà con làm theo. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên hiện nay gia đình ông đã phát triển đàn bò trên 30 con, diện tích đất sản xuất chủ động nước gần 2 ha, kinh tế gia đình đã ổn định, con cái, vợ chồng sống hòa thuận. Gia đình ông Katơr Hoi ở thôn Rã Giữa trước đây cuộc sống khó khăn, từ ngày được chính quyền địa phương và ông Liên tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, gia đình ông mạnh dạn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội mua bò và dê về chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đàn bò và dê ngày càng phát triển với tổng đàn trên 30 con. Ông Hoi chia sẻ: Ở địa phương bà con rất biết ơn chính quyền địa phương và luôn dành sự quý trọng ông Liên. Bởi ông không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn người tiếp lửa để đồng bào Raglai nhận ra giá trị của mảnh đất nơi mình đang sống, qua đó nỗ lực thi đua lao động sản xuất và thoát nghèo bền vững.

Ông Mai Liên (bên phải) ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung (Bác Ái) vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giúp phát triển kinh tế gia đình.

Cũng như ông Liên, đến xã Phước Thắng, hỏi ông Mai Văn Duối ai cũng biết ông là NCUT trên địa bàn. Với kinh nghiệm của bản thân, ông Duối đã vận động bà con tận dụng những mảnh vườn, thửa đất quanh nhà và các vùng đất dốc, đất ven sông, ven suối lâu nay trồng bắp, trồng đậu kém hiệu quả chuyển sang trồng chuối, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, giúp đời sống của nhiều gia đình trong thôn ngày càng phát triển đi lên. Bà con Raglai nơi đây luôn dành sự quý mến ông Duối. Chị Chamaléa Thị Siêng ở thôn Ma Ty cho biết: Ở địa phương bà con ai cũng quý mến ôn Duối bởi ông thường giúp đỡ, chỉ dẫn người dân trong phát triển kinh tế gia đình, giải quyết những mâu thuẩn, xung đột giữa các gia đình, dòng tộc. Vận động bà con bảo tồn bản sắc văn hóa Dân tộc. Bên cạnh đó, những tâm tư, nguyện vọng của bà con trong cuộc sống đều được ông truyền đạt ở các diễn đàn như tiếp xúc cử tri để cấp trên biết và giải quyết thấu đáo, nhờ đó diện mạo nông thôn mới ở địa phương ngày càng khởi sắc, cuộc sống bà con ngày càng phát triển.

Ông Liên, ông Duối là 2 trong số nhiều tấm gương NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở huyện Bác Ái. Trên địa bàn huyện có 37 NCUT trong cộng đồng ở 38 thôn thuộc 9 xã. Những năm qua, NCUT trên địa bàn huyện luôn gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; vận động đồng bào ở khu dân cư xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn vệ sinh môi trường; xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Nét nổi bật là đội ngũ những NCUT trên địa bàn huyện không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn tích cực vận động gia đình, bà con đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu sang thâm canh tăng vụ, kết hợp với chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, bà con đã biết khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai để áp dụng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ở xã Phước Chính; mô hình “Tưới nước tiết kiệm”; mô hình nuôi bò, dê vỗ béo và sinh sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Qua thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả đã giúp nhiều nông hộ có cuộc sống ổn định. Trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, NCUT luôn phối hợp với chính quyền và lực lượng công an, quân đội tuyên truyền, vận động Nhân dân đề cao cảnh giác, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu; cùng với các lực lượng công an, quân đội xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững bình yên nơi thôn, xóm...

Ông Pi Năng Chấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bác Ái cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS và phát huy vai trò của họ trong sự nghiệp phát triển KT-XH, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, thời gian tới huyện Bác Ái tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách đối với NCUT theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để động viên, khích lệ NCUT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa bàn dân cư; kịp thời biểu dương, khen thưởng khi NCUT có thành tích xuất sắc; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; tạo điều kiện cho NCUT được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hành vi sai trái đi ngược lại lợi ích của Quốc gia, dân tộc, chống mọi âm mưu của kẻ xấu muốn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc...