Chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

Ngay 18/6/2023, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký ký ban hành văn bản số 2456/UBND-VXNV của Chủ tịch UBND tinh gởi các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu: Thực hiện Công văn số 1972/LĐTBXH-BTXH ngày 30/5/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến của thiên tai như: Áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, lũ quét, sạt lỡ đất, hạn hán, lốc, sét, ngập lụt, xâm nhập mặn, nắng nóng, mưa đá và các loại thiên tai khác có thể xảy ra để phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đời sống dân sinh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở nơi không an toàn, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lỡ, chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời có phương án bảo đảm hậu cần và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm sơ tán.

2. Chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và chuẩn bị phương án cứu trợ thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương; huy động nguồn lực cứu trợ tại chỗ, bảo đảm hậu cần ứng phó với thiên tai; sẵn sàng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm nguồn nhu yếu phẩm để ổn định đời sống nhân dân trước, trong và sau thiên tai; hướng dẫn người dân chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khác khi mùa mưa bão đến.

3. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặt biệt là các hoạt động lồng ghép hỗ trợ cho người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

4. Theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra: Người chết, người mất tích, người bị thương; nhà đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng và tình hình thiếu lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt báo cáo cơ quan có thẩm quyền, kịp thời hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, ưu tiên nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng trợ giúp xã hội khác, bảo đảm không có người dân nào bị đói, không có người dân nào không có nhà ở, kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại và thực hiện các giải pháp đồng bộ khác để ổn định đời sống dân sinh và phát triển sản xuất; vận động các tổ chức, cá nhân chung tay khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, chỉ đạo thực hiện./.