Ninh Sơn: Tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng trái cây xuất khẩu

Ngày 16/6, UBND huyện Ninh Sơn tổ chức Hội thảo tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng trái cây xuất khẩu. Đến dự có đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện Ninh Sơn; các viện, trung tâm nghiên cứu, hiệp hội, tập đoàn và một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe lãnh đạo địa phương đánh giá thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đến nay sản xuất theo hướng VietGAP được 20 mô hình/185,15 ha/217 hộ dân tham gia; hỗ trợ các chủ thể triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay có 13 sản phẩm đạt tiềm năng 3 sao và 5 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao; hỗ trợ các hợp tác xã, các chủ thể xây dựng tem, bao bì, nhãn mác,... và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; trên 26 ha chanh không hạt và 30 ha măng tây xanh được cấp mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trên thị trường trong và ngoài nước.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận tình hình sản xuất và tiêu thụ trái cây hiện nay, cũng như yêu cầu của các nước về nhập khẩu trái cây; dự báo các yếu tố tác động đến thị trường xuất khẩu các mặt hàng trái cây; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất và ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn; nâng cao chất lượng trái cây Ninh Sơn. Đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người nông dân trong việc sản xuất và tiêu thụ trái cây bền vững; liên kết sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây tại địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý lãnh đạo huyện Ninh Sơn tiếp thu các ý kiến góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu, từ đó đề ra định hướng chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng trái cây cho thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt chú trọng làm tốt vai trò cầu nối trong liên kết “bốn nhà”; đẩy mạnh mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, đầu tư sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật để gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của đầu ra sản phẩm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh lớn; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; có cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, tiến tới đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh. Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác và bà con nông dân cần đổi mới tư duy, tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp; nắm bắt thị trường, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị đầu ra, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.