Lễ đón bằng của UNESCO và khai mạc Lễ hội Nho - Vang năm 2023

Tối 15/6, tại Quảng trường 16 Tháng 4, tỉnh ta tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 (gọi tắt Lễ hội). Về dự lễ, có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh bạn; Đại sứ quán, Tổng lãnh sự một số nước và đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự Lễ đón bằng của UNESCO và khai mạc Lễ hội Nho - Vang năm 2023. Ảnh: TS

Về phía tỉnh, có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố của tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu dự Lễ đón bằng của UNESCO và khai mạc Lễ hội Nho - Vang năm 2023. Ảnh: V.Nỷ

Phát biểu khai mạc Lễ hội, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các đại biểu, người dân và du khách đã đến tham dự Lễ hội. Việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận có di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đối với địa phương, tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản, sớm đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm phát triển bền vững về mọi mặt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của mỗi địa phương. Đây cũng là dịp để lan tỏa đến nhân dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Lễ hội.

Đối với Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, từ đó trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh, được tổ chức 2 năm một lần nhằm tôn vinh giá trị cây nho, sản phẩm từ nho; tri ân công lao đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân đối với sự phát triển của nho Ninh Thuận. Thông qua Lễ hội, tỉnh mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người dân và du khách sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ để Ninh Thuận không ngừng phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tin rằng trong thời gian tham dự các hoạt động, sự kiện tại tỉnh, người dân và du khách sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời, những trải nghiệm mới lạ, có ấn tượng tốt đẹp về quê hương, con người, cảm nhận được tình cảm chân thành, thân thiện, mến khách của người dân Ninh Thuận.

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức Lễ hội thực hiện nghi thức đón bằng của UNESCO. Tiếp đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” cho đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm cần bảo vệ khẩn cấp”.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng của UNESCO cho lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Ảnh: TS

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc tỉnh tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 là hoạt động ý nghĩa. Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Chăm và của cả dân tộc Việt Nam trong nhiều năm bền bỉ, kiên trì, tâm huyết cùng nhau gìn giữ, bồi đắp, trao truyền và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Để nghệ thuật làm gốm của người Chăm tiếp tục được bảo vệ và phát triển, đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị: Hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương và cả cộng đồng, nhất là cộng đồng người Chăm - chủ thể sáng tạo và duy trì nghệ thuật làm gốm Chăm, cần phải chung tay thực hiện thật tốt, thật hiệu quả chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị độc đáo, đặc sắc nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Các địa phương có di sản tiếp tục quan tâm xây dựng các chương trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực nhằm đầu tư hạ tầng phát triển làng nghề; quảng bá, tuyên truyền sâu rộng để thúc đẩy sự gắn kết xã hội, khơi dậy ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Văn Nỷ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao việc tỉnh tổ chức Lễ hội Nho - Vang để giới thiệu, tôn vinh giá trị cây nho và các sản phẩm từ nho; quảng bá hình ảnh quê hương, con người, các giá trị văn hóa, những danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Thông qua đó tạo cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, ký kết hợp tác đầu tư phát triển du lịch, kết nối du lịch Ninh Thuận với thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ tin rằng với sự năng động, sáng tạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay đồng hành của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, doanh nghiệp hứa hẹn sẽ mang lại sức mạnh mới cho du lịch, cũng như trong sự nghiệp phát triển KT-XH cho tỉnh thời gian tới.


 
Đông đảo người dân đến xem biểu diễn văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội. Ảnh: Văn Nỷ 

Tại đêm khai mạc, người dân và du khách được thưởng lãm chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Ninh Thuận miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Chương trình được dàn dựng công phu gồm có 3 chương: Chương 1 - Đậm sâu ân tình đất gốm; Chương 2 - Ngọt ngào hương vị nho - vang; Chương 3 - Ninh Thuận bừng sáng tương lai... Các di sản giá trị văn hóa gốm Chăm, nho và các sản phẩm đặc trưng của Ninh Thuận được hình tượng hóa trong các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu, cùng với những bài hát ngợi ca về quê hương, đất nước, những bài hát gắn liền với quê hương Ninh Thuận... được cất lên trong đêm hội, tôn vinh, ca ngợi mảnh đất, con người và sự phát triển mạnh mẽ của Ninh Thuận.

* Trước đó, chiều 15/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã đến thăm làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu đến thăm Nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Chăm ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ

Tại đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn đã đến tham quan các sản phẩm gốm tại khu trưng bày sản phẩm, nghe thuyết minh lịch sử làng nghề và nghe báo cáo định hướng bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật gốm; sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước và địa phương, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no cho người dân làng Bàu Trúc nói riêng và đồng bào Chăm trong tỉnh nói chung; xem các nghệ nhân: Trượng Thị Gạch, Đàng Thị Tám cùng một số nghệ nhân trẻ của làng Bàu Trúc chế tác gốm và xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính bà con làng nghề biểu diễn.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh thăm làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: V.Nỷ

Trao đổi với bà con nhân dân địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự cố gắng của các nghệ nhân làng Bàu Trúc đã giữ gìn, xây dựng, phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại. Chủ tịch nước mong muốn làng nghề chú ý đến việc truyền dạy nghề và phát triển nghệ nhân, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thị trường phân phối, tiêu thụ. Chủ tịch nước lưu ý Văn phòng Chủ tịch nước cần nghiên cứu, lựa chọn đưa một số sản phẩm gốm Bàu Trúc vào danh mục tặng phẩm quốc gia để thế giới biết nhiều hơn về một “di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” được UNESCO công nhận. Qua đây, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo tỉnh và huyện Ninh Phước quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các hợp tác xã nghề gốm và các nghề truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương phát triển nhanh hơn và bền vững, giúp bà con tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng tranh Bác Hồ cho Ban quản lý thôn Bàu Trúc. Ảnh: Văn Nỷ

Dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Ban quản lý thôn Bàu Trúc bức tranh Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ Toàn quốc lần thứ III, diễn ra vào tháng 3/1961.