Có mặt tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), phóng viên chứng kiến nhiều hộ dân Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An đang tranh thủ chăm sóc vườn nho, làm vệ sinh khu tiếp đón khách, trang trí các điểm đến, trưng bày sản phẩm để sẵn sàng phục vụ dịp Lễ hội. Dự kiến lượng khách dịp này tăng cao, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An đã chuẩn bị nhiều sản phẩm OCOP trưng bày tại khu quầy hàng, cạnh các sản phẩm có niêm yết giá, thông tin sản phẩm đầy đủ. Tại HTX hiện có 7 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 1 sản phẩm tiêu chuẩn 4 sao. Những năm qua người dân tham gia HTX đã được tiếp cận nhiều thông tin khuyến nông, chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm; nhất là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, nâng cao hàm lượng công nghệ sạch cho mỗi sản phẩm. Nông dân tích cực tham gia mô hình sản xuất kết hợp phục vụ đón du khách tới thăm quan trải nghiệm vườn nho. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất, thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp ngày một nâng lên, lượng du khách tìm đến các vườn nho Thái An thăm quan, trải nghiệm, mua sắm ngày một tăng.
Nông dân thôn Thái An (Ninh Hải) chăm sóc vườn nho của gia đình.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An cho biết: HTX hiện liên kết các hộ dân sản xuất cánh đồng lớn nho theo tiêu chuẩn sạch với diện tích khoảng 50 ha. Người dân đã chuyển đổi trồng các giống nho mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tưới tiết kiệm để chăm sóc nho cho năng suất hiệu quả cao hơn, tạo ra sản phẩm sạch đủ tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường. Các hộ trồng nho đều chủ động trong việc đón tiếp khách thăm quan tạo môi trường thân thiện với khách. Đặc biệt địa phương cũng đã chọn 2 vườn nho đẹp nhất của địa phương, đảm bảo các tiêu chí về thẩm mỹ, chất lượng để tham gia cuộc thi “Giàn nho đẹp” lần đầu tiên được tỉnh tổ chức; qua đó cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây nho, quảng bá hình ảnh sản phẩm nho Ninh Thuận.
Ông Đoàn Văn Hoàn, ở thôn Thái An, chủ vườn nho tham gia dự thi cho biết: Năm nay gia đình được HTX chọn vườn nho NH01-152 (Hồng Nhật) tham gia thi “Giàn nho đẹp”. Đây là giàn nho được gia đình chăm sóc rất công phu, tỉa cành, lựa trái, vệ sinh vườn, tạo lối đi rất bài bản. Vào thời điểm chính của Lễ hội, nho sẽ chín tạo màu hồng đặc trưng rất đẹp, chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và du khách. Nhằm tạo sự tiện lợi, phục vụ nhu cầu của du khách, gia đình cũng chuẩn bị các dịch vụ ăn uống tại vườn, giới thiệu các món ăn, các sản phẩm đặc sản của địa phương để du khách thưởng thức.
Cũng với tinh thần sẵn sàng tham gia Lễ hội, phục vụ đón tiếp du khách tới thăm quan, trải nghiệm, nhiều nhà vườn cây trái Lâm Sơn (Ninh Sơn) đã chủ động các hoạt động trưng bày, giới thiệu, đón tiếp du khách. Bà Nguyễn Thị Mai, xã Lâm Sơn cho biết: Gia đình tôi có vườn rộng hơn 1,3 ha, trồng các loại trái cây gồm 150 cây bưởi, 200 cây măng cụt và hơn 100 gốc chôm chôm. Hiện nay măng cụt, bưởi đã cho trái chín nên đây cũng là dịp thuận lợi để du khách tới tham quan, trải nghiệm tự tay hái trái cây thưởng thức tại vườn. Lợi thế của vùng đất Lâm Sơn đó là khu vực có khí hậu mát mẻ, phù hợp trồng được nhiều loại cây ăn trái cho chất lượng ngon vượt trội. Do đó trong dịp hè nhiều người dân đã tìm đến đây để vui chơi cảm nhận không khí mát lành dưới những tán cây xanh, thưởng thức nhiều loại trái cây hấp dẫn.
Cách đó không xa, vườn nhà ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ cơ sở vườn trái cây Xuân Hùng, xã Lâm Sơn hiện có 1,5 ha vườn trồng chôm chôm, bòn bon, bưởi, sầu riêng theo hướng hữu cơ. Để phục vụ Lễ hội, ông đã tiến hành cắt cỏ quanh vườn, tôn tạo lại các khu chòi rẫy cạnh suối, cột từng quả sầu riêng để trái chín trên cành đảm bảo độ ngon, ngọt và an toàn phục vụ khách du lịch (DL). Ông Thanh cho biết: Năm nay, các loại trái cây trong vườn sẽ chín rộ vào đúng vào dịp tổ chức Lễ hội. Từ bây giờ, chúng tôi chuẩn bị kỹ hơn như cột dây từng quả sầu riêng, dùng túi bọc để bảo vệ quả bưởi, cắt cỏ, tỉa cành tán cây che lối đi trong vườn, tại một số chòi treo thêm những chậu hoa, làm đẹp và tạo không gian thoải mái cho du khách tham quan. Bên cạnh đó, chuẩn bị, bổ sung thêm nhiều dịch vụ, các món ăn dân dã tại vườn để đáp ứng nhu cầu của khách.
Du khách tới thăm quan, trải nghiệm, nhiều nhà vườn cây trái Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Phan Bình
Theo UBND xã Lâm Sơn, là vùng được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu mát mẻ, đất đai tương đối màu mỡ, thuận lợi, địa phương đã phát triển thành vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích gần 1.395 ha gồm các loại cây như: Sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu, dừa, bưởi, chuối, mít, xoài,... Để phát triển DL, địa phương đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kiến thức, kỹ năng làm DL cho người dân; đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang lại từng vườn khang trang, sạch đẹp nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách đến trải nghiệm. Địa phương cũng đã thành lập 2 tổ cộng đồng thu hút người làm vườn tham gia, cùng phối hợp tổ chức các hoạt động DL vườn trái cây, tạo điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với người dân du khách.
Đồng chí Hoàng Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Năm nay xã Lâm Sơn tự hào là đơn vị chủ lực tham gia Lễ hội trái cây Ninh Sơn hưởng ứng các hoạt động trong dịp tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023. Lễ hội trái cây huyện Ninh Sơn lần thứ I năm 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu trái cây Ninh Sơn đến với người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; qua đó kết nối, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, quảng bá hình ảnh con người, ẩm thực, DL huyện Ninh Sơn đến với du khách để thu hút phát triển kinh tế DL, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phát triển DL của địa phương.
Anh Tuấn