Cụm tin kinh tế

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần tứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng.

* Trong 2 năm 2021-2022 mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn nhất là tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn duy trì ổn định và có tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trong năm 2021-2022 đạt 8,91%; trong đó năm 2021 GRDP của tỉnh tăng 10,3%, đứng thứ tư cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 76,8 triệu đồng, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước GRDP bình quân đầu người cả nước.

Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đang phục hồi và phát triển đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn từ tác động suy giảm của tình hình thế giới và trong nước, KT-XH của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng đạt 7,95% (xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước và nhất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung).

* Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện tăng trưởng bình quân 5,7%, luôn là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là trong 2 năm 2021-2022 chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả bước đầu. Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh đạt 260 ha. Hiện nay đã thu hút đầu tư 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động, gồm 18 dự án trồng trọt; 03 dự án chăn nuôi; 08 dự án thủy sản; 02 dự án chế biến nông sản.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt vào ca sản xuất nha đam. Ảnh: Văn Nỷ

Thương hiệu tôm giống tiếp tục phát huy hiện quả, đã xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” và đã trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước; hằng năm sản xuất trên 40 tỷ post, chiếm 30% tổng nhu cầu tôm giống cả nước.

* Khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đến tháng 6/2023 đã có 57 dự án năng lượng hoàn thành với tổng công suất trên 3.400 MW, hàng năm phát điện trên 7 tỷ Kwh. Ngoài ra, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1-công suất 1.500MW, Thủy điện tích năng Bác Ái Công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cao. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, đến cuối năm 2022 lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,4 triệu lượt, 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1,7 triệu lượt khách, cao nhất từ trước đến nay.

Du khách tham quan Khu trưng bày Gốm Bàu Trúc ở Thị trấn Phước Dân (Ninh Phước).Ảnh: Văn Nỷ

* Tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện đáng kể, chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 8/14 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm 2022. Công tác thu hút, huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá, có lợi thế đạt kết quả tích cực, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 39 dự án/13.050 tỷ đồng. Đến tháng 6/2023, có 445 dự án/195.240 tỷ đồng còn hiệu lực đang thực hiện (trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài 35 dự án/23.687 tỷ đồng); có 315 dự án/109.526 tỷ đồng đã đi vào hoạt động chiếm tỷ lệ 70,8% số dự án đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Các dự án du lịch đầu tư tại khu vực Biển Bình Sơn-Ninh Chữ hoạt động hiệu quả. Ảnh: Văn Nỷ

* Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ được triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các chính sách tài chính, tiền tệ. Đã có 19/19 chính sách thuộc Chương trình được triển khai thực hiện đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân và người lao động (Trong đó có 07/19 chính sách đã hoàn thành và kết thúc; 1 chính sách dừng thực hiện: Hỗ trợ máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và đang thực hiện 11/19 chính sách); hỗ trợ cho 47.889 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh/1.213 tỷ đồng và 4.773 cá nhân, hộ gia đình/195,7 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.