Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào sản xuất các loại giống lúa mới

Trước tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết bất thường, sâu bệnh phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Vụ đông - xuân 2022-2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm sản xuất giống lúa ST25 tại Trại sản xuất lúa An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải). Đến nay, toàn bộ diện tích trồng thí điểm đã thu hoạch và cho kết quả khả quan. Qua triển khai mô hình cho thấy, giống lúa ST25 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, năng suất đạt 8 tấn/ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống lúa khác từ 1-1,4 lần. Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhìn nhận: Mô hình lúa ST25 được trình diễn nhằm góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân địa phương, từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống; giúp người dân từng bước tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá trị, mang tính bền vững.

Mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao ST25 tại xã Xuân Hải (Ninh Hải). Ảnh: C.N

Cùng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, công tác tuyển chọn, chuyển giao giống lúa mới trong sản xuất cũng được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quan tâm. Đơn cử, vụ đông - xuân 2021-2022 đơn vị đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa tại xã Phước Nam, Phước Ninh (Thuận Nam) sử dụng giống lúa Đài Thơm 8. Kết quả giống lúa Đài Thơm 8 phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, thân cây cứng nên ít bị đổ ngã, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, năng suất đạt khá cao, trung bình 6,8-7,2 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 9 tấn/ha, bà con thu lợi nhuận khoảng 30-35 triệu đồng/ha. Ông Phạm Dũng, Giám đốc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Thành công trong khảo nghiệm giống lúa mới là cơ sở để đơn vị tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa giống lúa Đài Thơm 8 bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, đến vụ đông - xuân 2022-2023 giống lúa này đã được đưa vào sản xuất ở hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh với quy mô tập trung hàng hóa.

Không dừng lại đó, vụ hè- thu 2022 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục triển khai mô hình trình diễn giống lúa mới Q5, TĐ25 theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” với 2 hộ thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) tham gia với diện tích 1 ha. Qua thời gian theo dõi thực tế trên đồng ruộng, tổng hợp, đánh giá quy trình sản xuất cho thấy giống lúa mới Q5, TĐ25 có thời gian sinh trưởng từ 95-105 ngày, chiều cao từ 98-105 cm, khả năng đẻ nhánh khỏe, lúa trổ nhanh và tập trung, cây cứng, chịu thâm canh, ít nhiễm bệnh hại, năng suất đạt từ 8-8,5 tấn/ha. Mô hình tiếp tục được duy trì mở rộng trong vụ đông - xuân 2022-2023.

Để góp phần vào phát triển vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao của tỉnh, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã phối hợp với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tuyển chọn được các giống lúa sinh trưởng phát triển khỏe và phù hợp với điều kiện sinh thái tại Ninh Thuận, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, tiềm năng năng suất cao, làm tiền đề để giới thiệu, chuyển giao các giống tốt cho sản xuất. Bên cạnh các giống phục vụ chế biến, Viện còn khảo nghiệm, giới thiệu các giống chất lượng cao như: OM18, OM5451,...

Có thể nói, việc tuyển chọn giống lúa mới hiệu quả góp phần thay thế một số giống lúa địa phương có năng suất, chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém và hiệu quả kinh tế thấp. Qua đó, đã tạo đột phá về cơ cấu giống lúa, thúc đẩy ngành sản xuất lúa gạo phát triển lên tầm cao mới.