"Cây đa kiên trì"
Ấn tượng đầu tiên của bất cứ khách tham quan khi vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là màu xanh của vườn cây nơi đây. Toàn bộ vườn cây có hàng trăm loài cây có nguồn gốc trong và ngoài nước.
Sinh thời, Bác đã trồng nhiều loại cây, cải tạo ao nuôi cá, đường đi, lối lại và làm cho cảnh quan môi trường ở khu vực này thêm sạch và đẹp. Nhiều cây trồng ở khu vực này không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn mang lại ý nghĩa lịch sử văn hóa, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế. Trong khu vườn này, có những cây do Bác tự tay trồng và chăm sóc, có cây Bác đặt tên, có cây Người mang từ nước ngoài về, có cây đồng bào trong nước gửi tặng… mỗi cây đều chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc về Người.
Đoàn Thanh niên Thư viện Quốc gia chụp ảnh lưu niệm bên cây đa trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 18/5/2023. Ảnh: L.T.
Dẫn chúng tôi đi trên lối vào nhà sàn Bác Hồ, chị Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - cán bộ thuyết minh, phòng Tuyên truyền Giáo dục, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch dừng trước một cây đa rất đặc biệt với ba thân được tạo thành từ các nhánh rễ buông từ trên cành xuống tỏa ra ba hướng, tạo thành một khung tựa vòm cổng dẫn lối đến Khu nhà sàn của Bác.
Chị Thuỷ kể, khi làm việc tại nhà sàn, Bác Hồ thường đi lại trên con đường có cây đa này, lúc đó cây đa chưa có rễ phụ to, cao, dáng đẹp như bây giờ.
Khoảng tháng 9 năm 1965, anh em làm vườn thấy hai rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng cách mặt đường không xa. Vì lo hai rễ phụ này lớn dần thêm và dài xuống làm vướng lối đi lại của Bác, nên anh em phục vụ định cắt bỏ rễ đó đi. Biết được ý định đó, Bác không tán thành và gợi ý nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng sao cho rễ đa không vướng lối đi mà còn có thể tạo cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Anh em phục vụ đã hiểu được ý của Bác và không cắt bỏ hai cái rễ phụ nữa, nhưng vẫn chưa tìm được cách nào để thực hiện yêu cầu ấy.
“Mấy ngày sau, Bác Hồ vẫn nhớ chuyện hai cái rễ đa và lại hỏi anh em phục vụ. Anh em thưa với Bác là chưa tìm được cách làm hợp lý và Bác đã bày cho mọi người cách làm là chẻ đôi một cây bương, đục rỗng những mấu bên trong, sau đó cho đất xốp vào lòng cây bương, ốp rễ đa vào giữa rồi dùng dây buộc chặt cây bương đó lại. Cây bương được chôn xuống đất và phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho rễ đa. Rễ đa nhờ có đủ độ ẩm sẽ phát triển nhanh. Khi rễ đa chạm đất, Bác nhắc anh em phục vụ vun đất cho rễ và tiếp tục chăm sóc. Làm theo cách Bác Hồ hướng dẫn, thời gian bén đất của rễ cây nhanh hơn, đồng thời định hướng được rễ cây theo ý muốn. Những rễ đa này sau khoảng ba năm (1965 - 1968) thì chạm đất.
Khi hoàn thành công việc kéo rễ đa xuống đất, anh em phục vụ đến báo cáo kết quả với Bác. Bác vui vẻ nói: “Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công”.
"Từ đó, cây đa này được đặt tên là "Cây đa kiên trì". Hiện nay, trên con đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn, hình ảnh 3 nhánh rễ đa nối liền cành xuống đất luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác dạy", chị Thuỷ kể.
Sau này, cây đa lại có thêm hai rễ phụ nữa, hai rễ cây này cách xa nhau chứ không xoắn chặt làm một cũng được các đồng chí phục vụ kéo thêm với phương pháp kể trên.
Vườn cây in dấu tình yêu của Bác
Cùng với "cây đa kiên trì", đầu đường Xoài có một cây đa có rễ uốn thành hình vòng tròn, đây là một món quà đặc biệt Bác Hồ dành cho các cháu thiếu nhi.
Một buổi sáng, sau trận mưa to gió lớn, khi đi thăm vườn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy một cây đa con ở gốc có một nhánh rễ dài sau trận mưa gió bị đánh bật xuống, trơ trọi trên bãi cỏ. Nghĩ tới các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác đề nghị các đồng chí làm vườn trồng lại cây đa ngay bãi cỏ cạnh giàn hoa phong lan và tạo dáng cho nhánh rễ thành một hình tròn đứng trên mặt đất, để khi cây lớn, vòng rễ rộng hơn, các cháu thiếu nhi mỗi lần vào thăm Bác có thể chạy quanh và chui qua vòng rễ cho vui.
Bên cạnh ngôi nhà số 54, Bác cho trồng cây xanh bốn mùa với đặc tính rất ít khi rụng lá vào mùa đông. Loài cây này được Bác mang về từ Trung Quốc sau chuyến thăm hữu nghị của Người vào năm 1957 để trồng thử với mong muốn nếu cây thích ứng tốt với khí hậu Việt Nam sẽ cho trồng rộng rãi trên khắp các đường phố để đỡ phần nào cực nhọc cho những người lao công quét đường.
Quanh ao cá của Bác Hồ nhấp nhô những rễ cây dâm bụt mọc, loài cây Bác đã đặt tên sau một so sánh khá thú vị giữa hình dáng của rễ cây với những bức tượng của ông Bụt ở trong chùa. Khi Bác biết các đồng chí phục vụ có ý định chặt bỏ một cây bụt mọc đã bị mối xông quá nửa thân, Bác đã khuyên không nên chặt bỏ rồi sau đó Bác đã trực tiếp hướng dẫn các đồng chí phục vụ cách cứu chữa cho cây. Theo Bác, chặt một cây thì rất dễ nhưng trồng thêm một cây mới để phát triển được như cũ thì mất rất nhiều thời gian.
Bờ ao trước nhà sàn Bác cho trồng hai cây y lan với dáng đứng vươn thẳng lên bầu trời rồi Người đặt tên cho cây là cây vũ trụ để chúc mừng thành tựu của nhân dân Liên Xô sau khi được biết bạn vừa phóng thành công hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và Phương Đông 6. Vào mỗi độ hè sang, khu vườn của Bác càng được tô điểm với những sắc màu rực rỡ của hoa phượng, hoa liễu đỏ, hoa bằng lăng tím, hoa phong lan đủ màu sắc quanh ao cá.
Quanh nhà sàn nơi Bác ở là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà ở Làng Sen quê hương Bác, vườn hoa trước nhà với các loài hoa mang nhiều hương thơm thường được trồng ở các vùng quê như hoa mộc, hoa sói, hoa nhài, hoa dạ hương. Mảnh vườn nhỏ phía sau nhà với những luống cam, bưởi mang đến cho ta một cảm giác bình yên và thật sự gần gũi như hình ảnh quê hương trong tâm khảm của mỗi con người. Ở góc cầu thang nhà sàn là cây vú sữa của đồng bào miền Nam mà Bác đã cho chuyển từ ngôi nhà số 54 về trồng tại đây sau khi nhà sàn được hoàn thành. Hằng ngày dù bận trăm công ngàn việc Bác vẫn dành thời gian để chăm sóc, tưới tắm cho cây như gửi gắm vào trong đó tất cả tình cảm Bác dành cho đồng bào miền Nam.
Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, nỗi nhớ miền Nam da diết trong lòng Bác. Không có dịp vào thăm miền Nam, Bác dành hết tình cảm của mình vào việc chăm sóc những cây dừa miền Nam trước ngôi nhà sàn hay cây vú sữa mà đồng bào miền Nam đã tặng Bác. Trước lúc đi xa Bác còn căn dặn đồng chí Vũ Kỳ tìm thêm các giống xoài miền Nam trồng xen kẽ giữa những cây xoài cổ thụ trên con đường xoài để cây có thời gian kịp phát triển thay thế những cây đã già cỗi.
Vườn cây Bác Hồ mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên mà còn thấm đẫm tình yêu thương con người và tình cảm Bác dành cho mọi miền quê trên đất nước Việt Nam. Dù Bác đã đi xa nhưng các cán bộ, nhân viên Khu Di tích vẫn không quản ngày đêm chăm sóc vườn cây của Bác bốn mùa xanh tươi, là địa chỉ tham quan yêu thích của mỗi người con đất Việt cũng như bạn bè quốc tế.
Theo TTXVN/Báo Tin tức