Ở tỉnh ta, một trong những điển hình cho nền sản xuất sạch đó là tỉnh đã thu hút đầu tư 56 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất gần 3.500 MW. Kết quả này đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển bứt phá, đưa Ninh Thuận vào nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong những năm gần đây.
Từ năm 2018 đến nay, các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường cũng được các ngành, các cấp, cộng đồng DN quan tâm thực hiện. Hàng chục đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN về nâng cao năng lực quản lý phát thải ra môi trường từ sản xuất được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đơn cử, Dự án thí điểm sử dụng đèn LED thay thế nguồn sáng truyền thống trong đánh bắt hải sản đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Sở KH&CN có Chương trình hỗ trợ DN về lĩnh vực KH&CN, trong đó ưu tiên cho DN hướng đến phát triển sản xuất theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Điển hình như hỗ trợ xây dựng các quy trình sản xuất GAP; bảo hộ sáng chế dây chuyền xử lý rác thải chưa phân loại. Đơn vị cũng đã tổ chức 12 lớp tập huấn về nâng cao năng suất chất lượng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Tiến hành khảo sát và tổ chức thực hiện tại một số DN trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S; xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 1400: 2015; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001: 2015.
Công ty Điện lực Ninh Thuận áp dụng hiệu quả công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S .Ảnh: Văn Nỷ
Để tiếp tục phát triển sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, UBND tỉnh đề ra giải pháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dựng KH&CN tiên tiến, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích các DN đầu tư cải tiến, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, sản xuất sản phẩm mới theo hướng giảm phát thải ô nhiễm, thân thiện với môi trường.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai đánh giá, thẩm định, lựa chọn các công nghệ hiện đại, tiên tiến, trên cơ sở đó áp dụng phù hợp với điều kiện phát triển của Ninh Thuận. Tạo điều kiện, hỗ trợ DN chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ hiện đại, thông minh, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường; ứng dụng chuyển giao công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh như công nghiệp năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, ứng dụng quy trình, kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà lưới, tự động hóa tưới tiêu, làm đất, bón phân kết hợp với xử lý môi trường, chất thải, du lịch sinh thái. Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp Tốt; sản xuất hữu cơ.
Để tăng nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản 1ý chất lượng tiên tiến cho các DN trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm; nhân rộng áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng thực hành nông nghiệp Tốt cho các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN làng nghề thông qua áp dụng các giải pháp năng suất xanh; khảo sát hiện trạng, tư vấn xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục nhằm phòng ngừa rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 22301.
Tuấn Anh