Những đảng viên “đặc biệt”

Để được đứng dưới lá cờ Đảng đọc lời tuyên thệ, đối với mỗi đảng viên (ĐV) là mỗi câu chuyện khác nhau về quá trình nỗ lực học tập, trau dồi, cống hiến. Đối với anh Katơr Kinh, thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình (Bác Ái) và anh Hán Văn Thư, thôn Tân Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước), đó còn là câu chuyện về ý chí và nghị lực vượt qua những lỗi lầm trong quá khứ, những khiếm khuyết của bản thân, ra sức học tập và làm theo Bác bằng nhiều việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội, xứng đáng được Đảng xem xét, kết nạp.

Lâm tặc hoàn lương tích cực bảo vệ rừng

Từ 4 giờ sáng, anh Katơr Kinh cùng với tổ cộng đồng bảo vệ rừng (BVR) men theo sườn núi để làm nhiệm vụ, khi mặt trời lên cũng là lúc công việc bắt đầu. Bao con suối gập ghềnh, trơn trượt; bao đỉnh núi chênh vênh của Vườn quốc gia Phước Bình, anh đều đã băng qua để giám sát, tuần tra rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn đồng bào phá rừng làm rẫy, đi tìm dấu vết những loài động vật hoang dã và gỡ đi những chiếc bẫy nằm len lỏi đâu đó. Tham gia tổ cộng đồng BVR, cố gắng làm nhiều nhất có thể để khu rừng bình yên, xanh mãi, đó là cách Katơr Kinh trả nợ cho cuộc sống, cho khu rừng đã từng bị anh tàn phá. Đó hẳn không phải việc dễ dàng, nhưng Katơr Kinh vẫn đang cố gắng mỗi ngày vì điều đó. Nhớ lại quá khứ từng là “lâm tặc”, Katơr Kinh tâm sự: 8 năm trước, do không có đất sản xuất, tôi thường xuyên phá rừng làm rẫy, bị lực lượng kiểm lâm phát hiện và phải trả giá cho hành động vi phạm pháp luật 4 năm tù giam. Cải tạo tốt, tôi được tha tù trước thời hạn và từ đó, nhận thức BVR của bản thân cũng thay đổi nhiều. Khi được xã Phước Bình giới thiệu tham gia vào tổ cộng đồng BVR, tôi nhiệt tình tham gia như là cách tôi chuộc lỗi với khu rừng đang ngày ngày che chở cho đồng bào.

Anh Katơr Kinh.

Là người đã từng phá rừng nên anh hiểu, muốn tuyên truyền cho bà con không phá rừng làm rẫy thì các thành viên tổ cộng đồng BVR phải gương mẫu chấp hành, đồng thời phải tìm cách giúp bà con phát triển kinh tế dựa vào rừng, thay vì phá rừng. Bản thân anh tiên phong thực hiện mô hình trồng xen canh bắp lai với cây ăn quả, tích cực chuyển đổi nhiều loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, vừa cho thu nhập, vừa phủ xanh những mảnh rừng từng bị tàn phá. Thấy anh trồng trọt có hiệu quả, nhiều bà con học anh cách làm kinh tế, theo anh cùng BVR. Từ một người thường xuyên thiếu cái ăn, phải phá rừng để rồi vướng vào tù tội, nay Katơr Kinh đã ổn định kinh tế, là tổ trưởng tổ cộng đồng với 21 thành viên, bảo vệ hơn 600 ha rừng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hành Rạc 1. Hằng ngày, anh không chỉ chăm sóc, bảo vệ những cánh rừng xanh ngút mắt, trải dài quanh xóm làng, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động nhiều bà con tự nguyện tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Biết sai - dám sửa, sau những nỗ lực không mệt mỏi, cuối năm 2022, Katơr Kinh được kết nạp vào Đảng. Giữa rừng núi Phước Bình, lời thề ĐV vang lên chữa lành những day dứt về một quá khứ lỗi lầm của Katơr Kinh. Cánh rừng trước đây anh phá giờ đã tốt tươi trở lại, Kinh “lâm tặc” giờ đã là một ĐV trẻ gương mẫu, nhiệt tình và tâm huyết giữ rừng như để xứng đáng với những gì quý giá mà rừng đã ban tặng cho anh và đồng bào Raglai Bác Ái.

Đi bằng hai tay, vượt qua số phận

Bị liệt cả hai chân sau một cơn bạo bệnh khi chỉ mới lên 3, mọi sinh hoạt và học tập của Hán Văn Thư gặp rất nhiều khó khăn. Vì mặc cảm, tự ti về một cơ thể không hoàn chỉnh, năm 6 tuổi, Thư không đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, mà bắt đầu hành trình đi tìm con chữ từ những lớp xóa mù chữ ban đêm ở địa phương, chỉ mong biết đọc, biết viết. Thế nhưng, càng học, Thư càng ham học. Khát khao học tập đủ lớn để Thư có thể bỏ qua mặc cảm, tự ti, quyết học hành đến nơi đến chốn. 14 tuổi, Thư được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hữu Đức tạo điều kiện vào học lớp 4. Bước đi bằng hai bàn tay, con đường đến trường như dài hơn, khó nhọc hơn gấp bội, nhưng chưa hôm nào Thư bỏ học. Ý chí, sự bền bỉ và tinh thần vượt khó giúp Thư đạt thành tích cao trong học tập, được thầy, cô giáo quý mến, bạn bè cảm phục, tin yêu. Những năm sau đó, Thư tốt nghiệp THPT, theo học lớp Trung cấp Hành chính - Pháp lý tại tỉnh Quảng Nam, rồi lại tiếp tục thi đậu vào khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Thái Nguyên. Sau khi ra trường, năm 2008, anh Hán Văn Thư được xét tuyển vào làm việc tại UBND xã Phước Hữu. Ngoài công việc văn phòng, anh còn phụ trách trực phát máy phát sóng FM, làm phát thanh viên Trạm Truyền thanh xã, làm cộng tác viên cho Trang thông tin điện tử của UBND huyện Ninh Phước, kiêm luôn việc sửa chữa thiết bị máy móc văn phòng. Là kỹ sư công nghệ thông tin, những năm gần đây, anh Hán Văn Thư đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác chuyển đổi số (CĐS) ở cơ sở, được giao nhiệm vụ thành lập tổ cộng đồng CĐS ở toàn bộ 7 thôn trên địa bàn xã. Không ngại khó khăn khi đi lại bằng đôi bàn tay, với tinh thần làm việc không kể thứ Bảy, Chủ nhật, anh Hán Văn Thư vẫn cần mẫn đến từng nhà, “cầm tay chỉ việc” cho từng người, nhờ đó chỉ trong thời gian ngắn, các thành viên trong tổ cộng đồng CĐS ở địa phương đều nhanh chóng tiếp cận và thao tác thành thục các dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại di động, đưa Phước Hữu trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh triển khai CĐS đến tận cấp thôn.

Anh Hán Văn Thư.

Tâm huyết, trách nhiệm với công việc, năm nào Hán Văn Thư cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bằng nghị lực phi thường và đôi bàn tay chăm chỉ làm thay nhiệm vụ của đôi chân khiếm khuyết, năm 2020, anh Hán Văn Thư vinh dự được “đứng” vào hàng ngũ của Đảng, trở thành tấm gương sáng “tàn nhưng không phế”, luôn nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống, cống hiến nhiều việc làm ý nghĩa cho xã hội và là người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

Lễ kết nạp Đảng diễn ra theo quy trình như bao lễ kết nạp khác, lời tuyên thệ của ĐV mới cũng là lời tuyên thệ như bao ĐV khác. Chỉ có một điều khác thường duy nhất là ĐV Hán Văn Thư phải ngồi trên ghế với đôi chân không lành lặn, ĐV Katơr Kinh thì có một quá khứ lỗi lầm. Họ là những ĐV “đặc biệt” khi phải nỗ lực rất lớn để vượt qua cái bóng của quá khứ, vượt lên trên số phận nghiệt ngã và viết nên câu chuyện nghị lực sống. Để giờ đây, họ đã trở thành những người truyền cảm hứng, động lực, khát vọng vượt khó vươn lên trong cuộc sống ở vùng đồng bào Chăm, Raglai Ninh Thuận.