Tuổi trẻ và tư duy đổi mới trong khởi nghiệp

Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của mỗi người, luôn tràn đầy nhiệt huyết, hoài bão để chinh phục những mục tiêu, ước mơ của mình. Họ không còn đóng khung trong suy nghĩ phải tìm kiếm một công việc ổn định khi ra trường; ngược lại, luôn khao khát lựa chọn con đường khẳng định giá trị và đam mê của bản thân thông qua những ý tưởng và tư duy làm kinh tế mới. Trên con đường khởi nghiệp bước đầu gặt hái thành công ấy, chúng ta cùng nghe những trải lòng về câu chuyện “bỏ phố về quê” lập nghiệp của họ!

Đưa sản phẩm đất nắng vươn xa

Ấn tượng đầu tiên khi đến tham quan Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Chang Chang Farm của chị Lê Thị Nhã Trang ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước) không chỉ ở không gian trồng và chế biến nho, táo được canh tác hữu cơ, mà chị còn tìm kiếm cách gia tăng lợi ích cho những người tham gia liên kết chuyển đổi. Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị Trang cho biết, cách đây 5 năm, sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), quyết định từ bỏ cuộc sống nơi phố thị náo nhiệt, với một công việc ổn định và mức thu nhập khá, trở về quê với mong muốn xây dựng nên thương hiệu nho, táo - một đặc sản quê hương, gần gũi với người dân quê nhà.

Chị Lê Thị Nhã Trang chế biến táo sấy. Ảnh: CTV

Khởi nghiệp với số tiền tiết kiệm trong những năm tháng làm việc, chị bắt đầu làm nông trại, tự trồng cây trái xen canh theo hướng hữu cơ, tự cung tự cấp và khép kín. Chị Trang chia sẻ: Mới bắt đầu, tôi thuê nhân công nhưng không ai dám làm, vì mọi người sợ rắn rết do cỏ mọc khắp nơi, rồi góp ý diệt cỏ bằng thuốc để nho, táo phát triển... Vì mọi người chưa hiểu cách làm của mình, thế là tôi xắn tay làm chứ không dùng thuốc xịt cỏ, bởi chỉ dấn thân trải nghiệm mới có thể nói chuyện với các hộ xung quanh từ cách giảm phụ thuộc hóa chất đến cách sản xuất an toàn và nay là hệ thống liên kết những nông hộ thực hành theo tiêu chuẩn hữu cơ của hiện tại. Từ khi làm ra sản phẩm, mới đầu chị Trang chỉ bán nho, táo tươi thông qua các trang mạng xã hội. Sau dần để sản xuất đa dạng mặt hàng nho, táo, chị ấp ủ thực hiện kinh doanh nho, táo sấy. Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn thứ hai của chị, bởi trước đó, công việc của chị là làm nhân viên ngân hàng, hầu như không biết đến các kiến thức về kỹ thuật điện tử, cùng số vốn ít ỏi ban đầu không đủ khả năng mua sắm các loại thiết bị sấy hiện đại. Ròng rã nhiều tháng trời, chị không ngừng tìm hiểu về kỹ thuật, công nghệ chế tạo máy sấy trên internet, học hỏi các phương pháp để loại bỏ hạt táo, cách bảo quản táo, nho sấy lâu ngày không dùng phụ phẩm. Sau gần một năm, chị cũng tự thiết kế máy sấy năng lượng mặt trời khi chưa từng trải qua bất kỳ một lớp đào tạo nào về cơ khí hay điện tử. Khi chiếc máy sấy đầu tiên đưa vào sản xuất, vì là “chiến binh” mới nên mặt hàng của công ty chưa được nhiều người biết đến, chi vượt mức thu nên hằng tháng chị phải gồng gánh tiền lương nhân công rất lớn. Khó khăn là thế, nhưng chị vẫn quyết tâm chinh phục đam mê, duy trì xưởng sản xuất, thành phẩm làm ra chị lại chạy đôn chạy đáo giới thiệu thương hiệu, rồi quảng bá trên mạng thông qua bạn bè, trang Facebook, Zalo cá nhân... Dần dần sản phẩm cũng được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận và có nguồn tiêu thụ ổn định. Người dùng đánh giá chất lượng, góp ý, đặt hàng... giúp chị tự tin hơn khi mở rộng thêm nhà xưởng, tăng cường thêm máy móc, thuê thêm nhân công địa phương... mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục tấn trái cây các loại, đem về lợi nhuận hơn cả tỷ đồng.

Hiện nay, Chang Chang Farm đã trải rộng hơn 13 ha, trồng cả 2 nhóm sản phẩm là nho Hạ Đen, nho xanh NH01-48, nho đỏ (Red Cardinal) và táo canh tác theo phương pháp hữu cơ, an toàn sinh học. Sản phẩm của công ty còn được đưa vào TP. Hồ Chí Minh bán ở Phiên chợ xanh Tử Tế. Nói về dự định trong tương lai, chị cho biết đang tiếp tục phát triển mô hình du lịch vườn nho, táo và mở rộng vùng trồng giống nho rượu NH02-90 (Syrah) để sản xuất dòng rượu vang đỏ.

Từng bước gặt hái “mật ngọt”

Cũng mong muốn được lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Hữu Trực, phường Bảo An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngân hàng đã từ chối cơ hội làm việc tại quê nhà với mức lương khởi điểm không hề nhỏ đối với một sinh viên mới ra trường. Anh chọn khởi nghiệp với dự án “Bảo tồn, du lịch và phát triển ong Dú tự nhiên”, dự án của anh vừa đoạt giải Ba cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Anh Nguyễn Hữu Trực (bên phải) giới thiệu các hộp nuôi ong dú.

Theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp ong Dú từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến giờ, mặc dù gặp nhiều khó khăn và biết được con đường mình đi còn lắm gian nan, anh vẫn quyết lựa chọn việc khởi nghiệp để toàn tâm toàn ý theo đuổi niềm đam mê, thay vì làm việc cho các công ty. Chia sẻ về dự án nuôi ong Dú, anh Trực cho biết: Tôi có niềm đam mê rất lớn về các loài ong và đã từng thử nghiệm nuôi ong mật, lần khởi nghiệp đầu tiên này đã thất bại hoàn toàn, lỗ hơn 100 triệu đồng do nguồn hoa không đủ để nuôi loài ong này. Sau đó, trong một lần tình cờ, tôi phát hiện trong khu vườn nhà có một tổ ong rất lạ, lượng mật thu về khá nhiều và đậm đặc. Qua tìm hiểu, tôi mới biết được đây là ong Dú, một loại ong rừng tự nhiên. Loài ong này có kích thước nhỏ hơn ong mật, đặc biệt không có ngòi đốt, không bỏ tổ đi nơi khác và không chiếm nhiều diện tích nuôi. Nhận thấy đây là loại ong có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm thương mại, nên tôi đã quyết định dồn hết tâm sức đi tìm “mật ngọt’’ từ loài ong nhỏ bé quý hiếm này.

Vừa tự làm và kết hợp nghiên cứu tài liệu tham khảo từ nước ngoài, sau nhiều lần thử nghiệm, nắm bắt được quá trình sinh trưởng của ong Dú, anh giữ những ong chúa khỏe mạnh để tiến hành nhân đàn. Từ khi ong Dú chúa đẻ trứng đến khi phát triển thành ong trưởng thành khoảng 50 ngày. Mỗi tổ ong một tháng có thể nhân đàn một lần, cho mật sau 3-6 tháng. Nhận thấy đàn ong của mình phải đối mặt với nhiều nguy cơ về thời tiết. Có năm, mưa lớn kéo dài, nhiều dông bão, thùng nuôi ong của anh chủ yếu đặt hoặc treo bên trong lán dựng bạt đơn sơ nên bị ảnh hưởng, hư hại nhiều. Anh quyết định “quy hoạch” lại khu nuôi đàn ong, xây hẳn luôn một căn nhà nuôi với diện tích 30 m2, bên trong có nhiều tầng và lắp đặt hệ thống đối lưu không khí thông minh, tạo “chỗ ở” ổn định cho ong, thay thế toàn bộ những thùng gỗ thô sơ ban đầu thành những hộp gỗ nhỏ hơn, phân thành nhiều tầng. Bởi theo anh, việc phân thành các tầng như vậy giúp giả lập lại điều kiện sống giống như khi ong Dú sống ở rừng trong các thân cây để đàn ong phát triển tốt nhất, cũng như giúp người nuôi dễ dàng chia tách đàn hay thu mật. Ngoài ra, xung quanh nhà nuôi khoảng 800 m2, anh còn trồng hoa và các cây dược liệu để có nguồn thức ăn cho ong.

Từ 3 đàn ong gây dựng ban đầu, sau 4 năm anh đã phát triển hơn 400 đàn ong Dú và thành lập trang trại lấy tên “Ong Dú Jichi - Trại nuôi ong kiểng”. Mỗi năm, một tổ ong Dú cho thu hoạch mật 2 lần với hơn 2 lít mật, đặc biệt là mật ong Dú luôn có giá thành cao gấp 6-10 lần so với ong mật, kết hợp việc bán mật, thùng giống ong, phấn ong, keo ong thô, đã đem về cho anh doanh thu gần cả tỷ đồng. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh cho biết sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang trại, xây dựng thương hiệu, quảng bá và liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn quả để cung cấp hoặc cho thuê ong giống thụ phấn an toàn với phương châm “Tự nuôi ong lấy mật tại nhà thuận tự nhiên”, cũng như bảo tồn loài ong này.

Chuyển đổi số - xúc tiến thương mại điện tử các sản phẩm đặc thù OCOP

Bén duyên với công nghệ từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Nguyễn Lê Ngọc Vũ cùng nhóm bạn của mình sinh sống tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã gây dựng sự nghiệp từ chính chuyên môn và tình yêu với các sản phẩm nông nghiệp khi chọn hướng đi thành lập ý tưởng “Xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) các sản phẩm đặc thù OCOP Ninh Thuận” nhằm quảng bá trực tuyến rộng rãi sản phẩm tỉnh nhà trên không gian mạng, mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm và ý tưởng của anh đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Ninh Thuận” năm 2022.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, anh Vũ cho biết: Dịch bệnh càng khiến người tiêu dùng hình thành thói quen mua hàng hóa thông qua các sàn TMĐT, giảm bớt mua hàng hóa thông qua các mô hình truyền thống là chợ, với những thao tác nhấp chuột, vuốt tay vào màn hình là có thể mua được sản phẩm mình muốn. Từ xu hướng đó, tôi và các bạn của mình đã chọn những sản phẩm “cây nhà lá vườn” để khởi nghiệp, hỗ trợ bà con nông dân có đầu ra ổn định, đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng và chính gốc. Tôi tập trung vào các đơn vị, hộ kinh doanh có sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn, được cấp giấy chứng nhận OCOP, đặc biệt chú trọng đến sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao trở lên.

Đoàn viên - thanh niên trong tỉnh tham quan, học hỏi mô hình nuôi ong Dú tại trang trại ong Dú Jichi
của anh Nguyễn Hữu Trực. Ảnh: CTV

Trong TMĐT, anh xây dựng nhiều tên miền như ocopninhthuan.com, ocopninhthuan.vn liên quan trực tiếp đến sản phẩm giúp khách hàng dễ nhận diện, ghi nhớ và có niềm tin với sản phẩm. Hơn nữa, tên miền cũng chính là từ khóa để các công cụ tìm kiếm đánh giá tốt hơn, giúp cải thiện thứ hạng tìm kiếm, từ đó dễ dàng tiếp cận với người dùng trực tuyến để gia tăng doanh số bán hàng. Từ các website này, anh đăng tin trên mạng xã hội để quảng bá và tăng sự tiếp cận của khách hàng với nông sản OCOP Ninh Thuận, cũng như kết nối với các ngân hàng để nhận thanh toán trực tuyến khi giao dịch trên không gian mạng.

Thời gian đầu khách hàng không nhiều, nhưng dần dần, nhờ nhiều người giới thiệu, sản phẩm chất lượng nên lượng khách hàng bắt đầu tăng lên được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đến nay, anh đã liên kết với nhiều đơn vị, hộ kinh doanh, giúp hàng chục loại đặc sản OCOP Ninh Thuận có mặt tại hầu hết các địa phương trong nước. Anh Vũ thông tin thêm, hiện tại anh đang lên kế hoạch kết nối với đơn vị sàn TMĐT của Hàn Quốc, kết nối 2 sàn TMĐT Hàn - Việt, xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc vào tháng 6 năm sau. Cùng với đó là chuyển giao công nghệ Affiliate hơn 2 tỷ đồng cho sàn OCOP. Hệ thống này đang hỗ trợ giúp Shopee, TikTokshop và một số sàn TMĐT lớn phát triển.

Sau những cuộc trò chuyện với anh Vũ, anh Trực và chị Trang, chúng tôi nhận ra, các anh, chị đều có chung những đức tính rất đáng quý như cần cù, chịu khó, tinh thần ham học hỏi, đặc biệt luôn rất nghiêm túc và trách nhiệm với công việc. Mỗi người một cách làm, hướng đi riêng nhưng tựu chung lại họ đã thể hiện bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm”, không ngừng vượt khó, tìm tòi cái mới, đổi mới tư duy sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vận dụng lợi thế của địa phương vươn lên làm giàu. Họ - lặng lẽ thành công, tự viết nên câu chuyện của chính mình bằng những dự án khởi nghiệp mà chẳng cần tô vẽ, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Câu chuyện của họ cho thấy tuổi trẻ khởi nghiệp đang hiện hữu ở khắp nơi trên mảnh đất quê hương.