Nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh trong trường phổ thông

Ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh (TA) nói riêng có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và phát triển của đất nước. TA cũng là môn học quan trọng, là chìa khóa giúp học sinh (HS) mở rộng cánh cửa tương lai, tự tin khi giao tiếp, học hỏi, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

Sau nhiều năm triển khai kế hoạch thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ, chất lượng môn TA trên địa bàn tỉnh ta có chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực theo chương trình. Theo báo cáo phân tích và so sánh các số liệu kết quả thi môn TA trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của Sở GD&ĐT, bình quân 3 năm (2020, 2021, 2022) toàn tỉnh chỉ có 3 trường đạt trung bình (TB) điểm thi môn TA trên 5,0 điểm và 2 trường có tỷ lệ bài thi đạt điểm TB trở lên đạt hơn 50%; 3 trường có kết quả tăng liên tục và tăng cao là: Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, THCS-THPT Đặng Chí Thanh và THCS-THPT Nguyễn Văn Linh; Trường THCS-THPT Bác Ái năm 2021 giảm so với năm 2020 sau đó tăng mạnh ở năm 2022 với tỷ lệ bài thi đạt điểm TB trở lên 57,35% và TB điểm thi 4,994 điểm. So với toàn quốc, chất lượng bài thi môn TA tỉnh ta còn thấp, nằm ở top dưới TB; TB điểm thi hằng năm thấp hơn TB toàn quốc khoảng 0,5 điểm và tỷ lệ bài thi đạt điểm TB trở lên thấp hơn khoảng 10%. Đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, trong 3 năm nói trên có khoảng 2/3 số HS toàn tỉnh dự thi, số còn lại chỉ xét tuyển. TB điểm thi toàn tỉnh cả 3 năm đều dưới 5,0 điểm, tỷ lệ bài thi đạt điểm TB trở lên đều dưới 25%.

Giờ học Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh lớp 4B Trường THPT iSchool Ninh Thuận.

Chất lượng dạy học môn TA tỉnh ta thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu như: Năng lực giảng dạy của một số giáo viên (GV) còn hạn chế so với chuẩn quy định và yêu cầu (còn khoảng 35% GV chưa đạt chuẩn khung năng lực ngoại ngữ); chương trình TA mới hệ 10 năm được thiết kế dài và độ khó tăng lên nhiều so với chương trình TA hệ 7 năm; môi trường học tập, trang thiết bị dạy học có nhiều hạn chế, sĩ số HS đông. Mặt khác, TA là môn học tự chọn ở cấp tiểu học nên việc thực hiện chương trình theo kế hoạch chưa đạt được yêu cầu hoặc chưa đảm bảo thời lượng tiết/tuần; biên chế GV TA cấp tiểu học còn thiếu, nguồn kinh phí chi trả cho GV chủ yếu là thỏa thuận giữa phụ huynh và GV nên phần nào ảnh hưởng tới việc dạy và học...

Ghi nhận tại một số cơ sở giáo dục, chúng tôi nhận thấy, những năm gần đây, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn trong triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Trãi duy trì hoạt động câu lạc bộ TA; sử dụng các nền tảng trực tuyến giúp HS làm bài tập; thực hiện các dự án gắn với chủ điểm bài học và biên soạn, lưu hành nội bộ tài liệu phục vụ công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Trường THCS-THPT Bác Ái chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí GV dạy phụ đạo bổ sung kiến thức bị hỏng cho HS; khuyến khích GV đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, xây dựng bài giảng theo chuẩn kiến thức và phù hợp với năng lực HS. Nhà trường cũng lắp đặt hệ thống internet, trang bị sách giáo khoa, sách tham khảo để HS mượn và sử dụng; khuyến khích, tạo điều kiện để GV tự bồi dưỡng hoặc tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn do Sở GD&ĐT tổ chức và tham gia đánh giá năng lực tại TP. Hồ Chí Minh. Trường THCS Cao Bá Quát (Thuận Bắc) yêu cầu GV đổi mới mạnh mẽ phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với đặc trưng bộ môn và thành lập Câu lạc bộ nói TA để HS giao lưu, phát triển năng lực giao tiếp. Đối với Trường THPT iSchool Ninh Thuận, điểm mới trong năm học này là trường lập tài khoản riêng để HS học tập trên ứng dụng Razplus và Achieve3000 giúp HS nâng cao trình độ đọc, viết TA chuẩn quốc tế; đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với IDP Việt Nam tổ chức thi IELTS cho HS cấp THPT...

Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, từ năm 2018-2022, toàn ngành đã cử 216 GV TA tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học ngoại ngữ; 408 GV tham gia bồi dưỡng năng lực sư phạm. GV cấp tiểu học và THPT cũng được tham gia tập huấn trực tuyến khai thác học liệu điện tử trong giảng dạy TA theo hoạt động đề án 2020 của Bộ GD&ĐT. Trong tháng 11/2022, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn TA trong các trường phổ thông để cán bộ, GV, chuyên viên của ngành phân tích, đánh giá thực trạng, khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho GV TA trong các trường phổ thông phù hợp với yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian tới, sở tiếp tục rà soát, bố trí, sắp xếp đủ GV dạy TA đảm bảo định mức theo quy định thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giúp GV thi đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định cấp học, khuyến khích GV thi và đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; đồng thời, rà soát, đề xuất tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, ưu tiên cấp mới đủ thiết bị tối thiểu dạy học TA cho các trường phổ thông. Trong năm học 2023-2024, sở sẽ điều chỉnh phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT; cụ thể là tiếp tục thực hiện phương thức thi tuyển đối với Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và kết hợp thi tuyển với xét tuyển đối với các trường THPT công lập trên địa bàn toàn tỉnh với 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và TA. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, môn TA nói riêng, sở yêu cầu các trường phổ thông đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc thù bộ môn và theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đối với các trường THPT, cần chuẩn bị tài liệu, phân tích nội dung, cấu trúc đề thi minh họa; xây dựng kế hoạch tổ chức phụ đạo, ôn tập kiến thức cho HS thường xuyên, từ sớm... để đạt kết quả cao hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và những năm tiếp theo.