Đến năm 2030, 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập”

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) đến năm 2030”.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc trong CNLĐ; tuyên truyền, vận động để CNLĐ tại DN hình thành thói quen tự học, tích cực học tập suốt đời; hỗ trợ, tạo điều kiện để CNLĐ tại các DN học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, tiếp cận hệ thống giáo dục mở, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Sản xuất Không Gian Vàng vận hành máy chạy bộ. Ảnh: Văn Nỷ 

Về chính trị, pháp luật, Kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 90% CNLĐ tại các DN được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến CNLĐ gắn với những nội dung lý luận về chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Về kỹ năng nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% CNLĐ tại các DN tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% CNLĐ tại các DN tham gia học tập các nội dung giáo dục kỹ năng sống. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 40%, đến năm 2030 đạt 65% CNLĐ tại các DN được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số. Ngoài ra, về mô hình học tập, phấn đấu đến năm 2025 đạt 30%, đến năm 2030 đạt 50% CNLĐ tại các DN đạt danh hiệu “Công dân học tập” do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập; triển khai các biện pháp hỗ trợ CNLĐ được học tập thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời cho CNLĐ; tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động, các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy học tập suốt đời trong CNLĐ; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời cho CNLĐ.

Trong đó, nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ của tổ chức công đoàn cho hoạt động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng của CNLĐ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đổi mới, sáng tạo các mô hình hoạt động và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời, hỗ trợ CNLĐ đến tham gia sinh hoạt và học tập. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các cuộc vận động học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức pháp luật, kỹ năng sống trong CNLĐ; xây dựng, duy trì thói quen đọc sách và tự học, ý thức học tập suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân với thông điệp “Học tập suốt đời - cơ hội có việc làm bền vững”…

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với thời gian hoàn thành của từng cơ quan, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, khả thi; tăng cường công tác phối hợp một cách chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch. Đồng thời, thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả.