Nghị quyết 36-NQ/TW: Thúc đẩy kinh tế biển phát triển

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (KTB) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36), chủ trương phát triển KTB gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh (QP-AN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tỉnh đã ưu tiên tập trung đầu tư phát triển KTB, kết cấu hạ tầng vùng ven biển, triển khai thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá - xã hội khu vực ven biển. Gắn với đó, công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo được tăng cường, đảm bảo phục vụ có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tuyến ven biển, đảo.

Bám sát Nghị quyết số 36, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước và luật pháp quốc tế về biển, đảo, nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân, nhất là ngư dân hoạt động trên biển tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển được chú trọng, tăng cường, nhờ đó tình hình trật tự, an ninh, các vấn đề phát sinh trên đất liền, trên biển được dự báo từ sớm, từ xa, các vụ việc được giải quyết đúng đắn với chủ trương của Đảng, Nhà nước, pháp luật quốc tế. Từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản, tự bảo vệ ở thôn gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, như: Tổ đội tàu thuyền đoàn kết, Tổ tàu thuyền đánh bắt xa bờ kết hợp với đội dân quân biển..., góp phần khai thác tốt tiềm năng KTB, giữ vững QP-AN, trật tự xã hội vùng ven biển và trên biển, nhất là các dự án có quy mô lớn, thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp, du lịch..., tỉnh đều chú trọng gắn với bảo đảm QP-AN trên biển và ven biển.

Ngư dân trong tỉnh vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: CTV

Công tác thu hút, huy động nguồn lực đầu tư đạt kết quả tích cực, nhất là thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào khu vực KTB. Trong giai đoạn 2018-2021, đã thu hút, vận động mới các dự án ODA thuộc khu vực ven biển với tổng vốn đầu tư hơn 3.980,4 tỷ đồng; ngoài ra còn thu hút vận động mới 28 dự án NGO. Tổng vốn đầu tư KTB tăng 65,8%/năm; tổng vốn đầu tư năm 2021 đạt 16.599 tỷ đồng, cao cấp 1,75 lần so với năm 2018, cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế tư nhân ngày càng cao trong tổng vốn đầu tư toàn ngành KTB, trong đó khu vực tư nhân chiếm 92,6% tổng vốn. Nhiều dự án có quy mô lớn hoàn thành đưa vào hoạt động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Phát triển KTB theo tinh thần Nghị quyết số 36 đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, đã nhận diện đúng mức tiềm năng thế mạnh từ KTB của tỉnh, từ đó chuyển đổi mạnh mẽ hành động trong thực hiện nghị quyết về phát triển KTB. Các chủ trương lớn của nghị quyết được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đầu đạt kết quả tích cực, đồng thời xác định được nhiệm vụ phát triển KTB là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các tiềm năng thế mạnh về KTB của tỉnh được nhận diện rõ hơn và đánh giá đúng mức để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng KTB 21,2%/năm; tỷ trọng đóng góp KTB vào GRDP tỉnh từ 30,6% năm 2018, tăng lên 39,5% năm 2021; văn hóa xã hội vùng biển, ven biển có nhiều chuyển biến, tiến bộ, đời sống nhân dân vùng ven biển được cải thiện; công tác quản lý tài nguyên biển, các ứng dụng khoa học - công nghệ, phòng, chống thiên tai được quan tâm; QP-AN vùng biển, trên biển được bảo đảm, góp phần quan trọng phát triển KT-XH tỉnh.

Để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3782/KH-UBND triển khai thực hiện, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể theo lộ trình, phấn đấu là một trong những tỉnh phát triển mạnh về KTB của khu vực, tập trung huy động mọi nguồn lực để KTB trở thành động lực. Đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng KTB đạt 15-16%/năm; huy động tổng vốn đầu tư cho KTB khoảng 61-62 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 94-95%; đồng thời phấn đấu đưa KTB chiếm 41-42% tổng sản phẩm nội tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số vào các ngành KTB, thúc đẩy bền vững phát triển KTB, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo vệ sinh môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, nâng cao đời sống, tinh thần nhân dân vùng viển; bảo đảm QP-AN.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp, trước nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển KTB và mối quan hệ giữa phát triển bền vững KTB với bảo đảm QP-AN và chủ quyền của đất nước trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo, chiến lược phát triển KTB trong chiến lược phát triển chung của Việt Nam và Ninh Thuận nói riêng. Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch: Quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Khai thác tối đa lợi thế của tỉnh đối với các lĩnh vực như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; năng lượng tái tạo, cảng biển, du lịch...; ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, thu hút đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành KTB, hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị ven biển. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển KTB, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, điều tra tài nguyên môi trường biển, xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển; tích hợp, lồng ghép giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển. Bảo đảm QP-AN; phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.