Hồi chuông báo động từ biến đổi khí hậu

Giới khoa học cảnh báo rằng nếu thế giới không kiểm soát được tình trạng nóng lên toàn cầu theo những mục tiêu đã đề ra trong các Hiệp ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu thì hậu quả đối với loài người sẽ hết sức khó lường và không thể đảo ngược.

Với mức nóng lên của toàn cầu hiện nay - tăng khoảng 1,1 độ C so với nhiệt độ Trái Đất thời kỳ tiền công nghiệp - quá trình dẫn đến những hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan, nguy hiểm đã và đang bắt đầu.

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường đối với tự nhiên và môi trường sống của con người. Diện tích cây xanh bao phủ trên toàn cầu bị thiêu rụi do cháy rừng từ tác động của biến đổi khí hậu hiện ở mức cao gấp đôi so với 20 năm trước. Theo đó, cứ mỗi phút thế giới lại mất đi một vùng rừng có diện tích tương đương 16 sân bóng đá. Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân chính làm gia tăng các vụ cháy rừng khi mà những đợt nắng nóng khắc nghiệt khiến rừng khô cằn ở mức cao gấp 5 lần so với một thế kỷ rưỡi trước. Các đợt nắng nóng có khả năng diễn ra với tần suất thường xuyên và nghiêm trọng hơn, gia tăng rủi ro đối với sức khỏe con người, cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Lượng băng tan ở Greenland tăng nhanh so với mức trung bình của vài trăm năm trước.

Theo các nhà chuyên môn, trường hợp nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C chắc chắn dẫn đến những hậu quả như làm tan vĩnh viễn các tảng băng ở Greenland, Tây Nam Cực, Bắc Cực và làm chết các rạn san hô. Trái Đất do đó cũng sẽ chịu những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng và lâu dài, đó là: Mực nước biển dâng cao, đe dọa hầu hết các thành phố ven biển. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao, gây ra thời thiết khắc nghiệt hơn ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt châu Âu. Lớp băng vĩnh cửu một khi tan chảy cũng sẽ giải phóng nhiều khí nhiệt hơn vào bầu khí quyển… Thực trạng này sẽ càng gia tăng nhiều áp lực lên nỗ lực chống biến đổi khí hậu của con người.

Nhận định về vấn đề biến đổi khí hậu, Giáo sư Tommy Koh (nhà môi trường học và nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore) nhấn mạnh thế giới đang tiến gần đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như cảnh báo của Liên hợp quốc (LHQ), và nếu điều này xảy ra sẽ là "thảm họa". Ông Koh cảnh báo thời gian không còn nhiều, đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phụ thuộc vào nỗ lực của các quốc gia trên thế giới.

Hiện nhiều nước trên thế giới vẫn chưa cam kết cắt giảm khí thải ở mức đủ để đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Với tình hình hiện tại và các chính sách của các nước, nhiệt độ Trái Đất được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 3 độ C vào cuối thế kỷ 21 và ở mức nóng lên toàn cầu này, những tác động của biến đổi khí hậu đối với con người sẽ càng nhiều thêm và nghiêm trọng hơn.

Chuyên gia về khí hậu David Armstrong McKay cho biết ngay cả khi nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C, các diễn biến xấu đi của thời tiết còn tùy thuộc vào thời gian duy trì của mức nhiệt. Do đó ông nhấn mạnh rằng nhân loại vẫn có thể kiểm soát quá trình Trái Đất ấm dần lên và một trong số những biện pháp hướng tới mục tiêu này vẫn là "cắt giảm lượng khí thải nhanh nhất có thể".

Giới khoa học kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cần nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính cũng như các loại khí giữ nhiệt khác một cách triệt để, giảm bớt tình trạng Trái Đất nóng lên. Kiềm chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C không đảm bảo rằng các hậu quả do biến đổi khí hậu không xảy ra nhưng chắc chắn nguy cơ sẽ ít đi. Cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đạt mức trung hòa khí thải vào năm 2050.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đầu tháng 9-2022 kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến sự tàn phá của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc xung đột tại Ukraine. Ông Guterres nhấn mạnh: “Mọi người quên rằng có một xung đột khác - nơi mà chúng ta đang hủy hoại tự nhiên, và biến đổi khí hậu đang dần hủy diệt hành tinh của chúng ta…”. Ông Guterres nhấn mạnh đối phó với biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng của thời đại chúng ta và cách tiếp cận thông thường sẽ không thể đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký LHQ cũng hối thúc cộng đồng quốc tế thiết lập một cơ chế mới về xóa nợ cho các nước bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thiết lập cơ chế hoán đổi nợ, theo đó một quốc gia, thay vì trả nợ cho các chủ nợ, có thể sử dụng số tiền này để đầu tư vào việc tăng cường khả năng phục hồi trước ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và vào quá trình chuyển đổi xanh của các nền kinh tế.

Theo TTXVN