Nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động

Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, tập trung các giải pháp nâng cao công tác quản lý, tuy nhiên, việc vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) vẫn còn khá phổ biến, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động (NLĐ).

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện toàn tỉnh có 3.789 cơ sở, DN đăng ký kinh doanh với tổng số 30.259 lao động, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến... Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều DN tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động... ít nhiều ảnh hưởng đến công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý tình hình thực hiện ATVSLĐ tại DN. Nhìn chung, nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ được nâng cao, tuy nhiên qua quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn có nhiều vi phạm trên lĩnh vực này.

Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 20 DN. Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm: Một số DN chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; chưa tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ; chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm theo quy định; chưa thành lập tổ chức công đoàn; có xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước; chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho NLĐ... Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhìn chung các DN quan tâm triển khai và chỉ đạo thực hiện kịp thời theo chỉ đạo của ngành Y tế, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa xây dựng kế hoạch khử khuẩn định kỳ bàn ghế, dụng cụ làm việc, môi trường làm việc tại công ty; chưa bố trí máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang ở các cửa ra vào của công ty... Đoàn thanh tra đã có 236 kiến nghị đề nghị các DN vi phạm khắc phục; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 DN do sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc chưa đúng với quy định.

Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị, DN và kết quả điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) cấp tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNLĐ, tăng 5 vụ so với cùng kỳ, trong đó, có 2 vụ/2 người chết; 5 vụ/5 người bị thương nặng; 5 vụ/5 người bị thương nhẹ. Nguyên nhân gây ra tai nạn chết người là do bị tai nạn giao thông trên đường đi làm nhiệm vụ, điện giật chết. Ngoài ra, các nguyên nhân gây TNLĐ khác do bất cẩn trượt ngã, phôi nguyên liệu bắn vào người... Có 1 trường hợp NLĐ bị bệnh nghề nghiệp (BNN).

Ngoài ra, nhiều NLĐ vẫn chưa có ý thức trách nhiệm, nhận thức đầy đủ về ATVSLĐ; một số người có điều kiện kinh tế khó khăn vì cuộc sống mưu sinh vẫn phải chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn... Nhiều DN sợ tốn kém chi phí nên chưa đầu tư đúng mức cho công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN)... Đây cũng là nguyên nhân làm tăng rủi ro, nguy cơ TNLĐ, BNN. Công tác báo cáo định kỳ việc thực hiện ATVSLĐ cũng chưa được các DN quan tâm thực hiện tốt. Đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm: Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã gửi thông báo đến hơn 500 DN yêu cầu làm báo cáo ATVSLĐ và gửi đến cơ quan quản lý; tuy nhiên, chỉ 46 đơn vị thực hiện. Điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, cũng như nắm tình hình chung về việc thực hiện ATVSLĐ, TNLĐ, BNN tại DN.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt trang bị tốt bảo hộ lao động và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATVSLĐ, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác ATVSLĐ, PCCN, trong đó chú trọng tuyên truyền các hoạt động của Tháng ATVSLĐ, Tháng Công nhân năm 2022; chia sẻ rộng rãi các sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện điều kiện lao động; tuyên dương các tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.

Yêu cầu các DN chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ; tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, PCCN cho NLĐ; hướng dẫn NLĐ tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước, trong quá trình lao động. Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NLĐ, khám sức khỏe định kỳ.

Tổ chức và chỉ đạo việc ký cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, giảm TNLĐ, BNN đối với các đơn vị sử dụng lao động, tạo môi trường lao động tốt cho NLĐ.