Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Nâng cao năng lực khám và điều trị

Xuất phát điểm là một bệnh viện quy mô nhỏ, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trở thành bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Sau ngày tái lập tỉnh (4-1992), Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập trên cơ sở Bệnh viện Phan Rang, quy mô 400 giường bệnh. Đến năm 2010, bệnh viện hoạt động quy mô 500 giường, với 500 cán bộ, viên chức, trong đó có 74 bác sĩ; trang thiết bị vẫn thiếu và lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2012, đánh dấu mốc quan trọng khi bệnh viện được di dời về cơ sở mới. Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương “Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên Bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh”, với tổng kinh phí gần 430 tỷ đồng. Đây là chủ trương đúng đắn, giúp bệnh viện tạo bước đột phá nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đầu tư nâng cao nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được bệnh viện tập trung triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng hoạt động. Từ năm 2016 - 2020, bệnh viện đã cử đào tạo, bồi dưỡng 458 người, trong đó có 77 thạc sĩ, chuyên khoa I (CKI); 43 chuyên khoa II (CKII) và định hướng chuyên môn cho 338 người. Ngoài ra, thực hiện tuyển dụng, thu hút 44 bác sĩ đa khoa; 4 bác sĩ CKI; 2 bác sĩ thạc sĩ; phối hợp đào tạo 17 CKII trong lĩnh vực tổ chức quản lý y tế; 9 CKII lĩnh vực Nội; 40 CKI các chuyên ngành: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Gây mê hồi sức. Năm 2021, hoàn thành đào tạo cho gần 20 CKII, CKI, thạc sĩ trên các lĩnh vực quản lý, chuyên môn.

Công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao năng lực hoạt động được chú trọng. Bệnh viện không ngừng cải tiến, đổi mới quy trình khám, chữa bệnh; đồng thời thông qua các đề án: 1816, Bệnh viện vệ tinh, đã tiếp nhận các kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến, hiện đại từ các bệnh viện tuyến trên để nâng cao tay nghề đội ngũ y, bác sĩ, nâng cao chất lượng khám và điều trị. Từ năm 2016 đến nay, bệnh viện đã triển khai hàng trăm kỹ thuật mới, trong đó có nhiều kỹ thuật tuyến Trung ương, giúp người bệnh được điều trị tại chỗ, không phải chuyển viện lên tuyến trên, giảm chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội.

Bệnh viện cũng đã huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị hiện đại, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, quản lý, cải cách thủ tục hành chính… hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh. Thực hiện Kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tập trung giảm thời gian chờ đợi của người bệnh ở tất cả các khâu từ khi vào bệnh viện đến khi ra về…

Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật mỗ lấy khối u trong não.

Với sự quyết tâm cùng các giải pháp toàn diện, hiệu quả, năm 2020, bệnh viện đã đạt được các tiêu chí bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh. Năm 2021, dịch COVID-19 phức tạp, tăng mạnh ảnh hưởng đến mọi hoạt động của bệnh viện, nhất là các kế hoạch phát triển chuyên môn, nhận chuyển giao và phối hợp, kết hợp với bệnh viện tuyến trên về triển khai các kỹ thuật chuyên môn cao, chuyên sâu. Tuy nhiên, bệnh viện đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa liên tục đề ra các giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ cho người bệnh. Cuối năm 2021, Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm được sáp nhập, trở thành cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho cơ sở mới, bệnh viện đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phân công bác sĩ có trình độ môn, kinh nghiệm đến đảm nhiệm công tác cấp cứu, khám và điều trị. Nhờ đó, năng lực hoạt động của cơ sở mới ngày được nâng cao, người dân đến khám, chữa bệnh đã tăng lên, ban đầu chỉ có 50-70 bệnh nhân/ngày, đến nay trung bình 150-160 bệnh nhân/ngày.

Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục hoàn thiện quy mô, năng lực hoạt động, trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ thành lập thêm các khoa, phòng: Đào tạo - Nghiên cứu khoa học, Công tác xã hội, Lão học, Ngoại thần kinh, Tim mạch Can thiệp, Nội hô hấp, Nội tiêu hóa, Nội tiết, Nội cơ xương khớp, Ngoại tiết niệu, Ung bướu Y học hạt nhân, Y dược cổ truyền, Phục hồi chức năng, Sơ sinh, Vi sinh; xây mới trung tâm kỹ thuật cao thực hiện chức năng cấp cứu, chẩn đoán và điều trị các trường hợp bệnh nặng, khó, bao gồm các bệnh lý về tim mạch, ung thư và hầu hết kỹ thuật cao của các chuyên khoa lâm sàng khác…

Ngoài ra, đầu tư trang thiết bị, phát triển, đào tạo nhân lực, phát triển chuyên môn kỹ thuật, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh; khắc phục hạn chế, khuyết điểm, khó khăn để cải tiến chất lượng, đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh… Qua đó, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong tỉnh, các khu vực lân cận, cũng như đóng góp vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.