Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển

Chặng đường 30 năm phát triển ngành du lịch, thương mại - dịch vụ

Qua 30 năm sau ngày tái lâp tỉnh, hoạt động du lịch, thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, phát triển nhanh, có bước tiến mới mang tính đột phá và thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh lân cận, mang lại hiệu quả nhiều mặt, thu hút nhiều lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều chuỗi giá trị mới và nguồn thu, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Du lịch có bước phát triển rõ nét

Tại thời điểm năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 8 khách sạn với 126 phòng và một số nhà nghỉ, phòng trọ tư nhân; các loại dịch vụ phục vụ du lịch như dịch vụ lữ hành, các cơ sở vui chơi giải trí, cửa hàng lưu niệm, các sản phẩm dịch vụ... hầu như chưa có. Sau 30 năm, du lịch đã có bước phát triển rõ nét, thu hút nhiều dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ được nâng lên, các loại hình dịch vụ - vui chơi giải trí được quan tâm. Hiện nay, có nhiều dự án du lịch chất lượng đi vào hoạt động hiệu quả như: Khu du lịch Sài Gòn - Ninh Chữ; Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa; Khu du lịch Hoàn Mỹ; TTC Resort Premium – Ninh Thuận. Cùng với đó, là một số dự án quy mô lớn đang tập trung thi công xây dựng như: Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí thể thao biển của Công ty Mũi Dinh Ecopark; Khu đô thị sinh thái Núi Chúa của Công ty Cổ phần và Đầu tư đô thị TDH Ecoland, Dự án Khu du lịch Bình Tiên, Dự án Sunbay Park Hotel&Resort...

Du khách trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Nam Hoa Viên ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: V.M

Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 183 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch với 4.121 phòng, gấp 22,9 lần về số cơ sở lưu trú và gấp 32,7 lần về số phòng so với thời điểm năm 1992. Trong đó điểm nhấn độc đáo là Amanơi Ninh Thuận đẳng cấp cao - cơ sở lọt top 33 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới do Tạp chí Condé Nast Traveler của Mỹ bình chọn năm 2014. Các sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng phát huy được sự đa dạng, thế mạnh du lịch của tỉnh, tạo được các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch thể thao mạo hiểm kết hợp với các sản phẩm du lịch mang tính bổ trợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thủy hải sản, chăn nuôi, năng lượng tái tạo.

Từ chỗ lượng khách du lịch đến tỉnh hằng năm chỉ vài chục ngàn người, đến nay lượng du khách đến tỉnh hằng năm trung bình khoảng 1,7 triệu đến 2,1 triệu lượt, đỉnh điểm năm 2019 thời điểm chưa có dịch COVID-19 số lượt khách đến tỉnh đạt 2,35 triệu lượt, tăng bình quân 20,6%/năm trong giai đoạn 1992-2021; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 12,3%/năm. Đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng, sản phẩm phục vụ khách du lịch, chất lượng các dịch vụ và môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao, số lượng và chất lượng lao động ngành du lịch tăng, công tác xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh có sự đổi mới về nội dung và hình thức, chú trọng thu hút và phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao.

Thương mại - Dịch vụ phát triển mạnh

Nếu như năm 1992 chỉ có 5 chợ cấp huyện, chủ yếu là cơ sở cũ, tiếp nhận từ sau ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đến nay, toàn tỉnh có 101 chợ, 6 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Công tác quản lý thị trường được tăng cường và thực hiện thường xuyên, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; thực hiện hiệu quả đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trung tâm Thương mại Vincom tọa lạc ở đường 16 Tháng 4 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng nhanh, từ 450 tỷ đồng năm 1992, lên 24.171 tỷ đồng năm 2021, tăng gấp 53,7 lần, bình quân tăng 14,7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 113 triệu USD, tăng 66,5 lần so với năm 1992. Đến cuối năm 2021 có 69 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử. Với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các dịch vụ được nâng lên, hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến các vùng nông thôn, giữ vững cân đối “cung - cầu”.

Dịch vụ vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ nhờ hệ thống giao thông được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh; phương tiện vận tải tăng về số lượng, chất lượng, mạng lưới xe buýt được hình thành, kết nối Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đến tất cả các huyện trong tỉnh; nhiều hãng taxi, doanh nghiệp vận tải được thành lập, hoạt động có hiệu quả đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển và đi lại của Nhân dân. Năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng tăng, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng từ 19.832 ngàn tấn/km năm 1992 lên 515.380 ngàn tấn/km năm 2021, bình quân tăng 12,3%/năm; khối lượng hành khách luân chuyển tăng từ 51.612 ngàn người/km lên 181.540 ngàn người/km, bình quân tăng 4,6%/năm.

Dịch vụ bưu chính - viễn thông tiếp tục phát triển, chất lượng được nâng cao, thông tin liên lạc thông suốt; nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cùng hoạt động tạo ra sự đa dạng về hình thức phục vụ, nhiều dịch vụ tiện ích mới được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc trong nước và quốc tế. Mạng điện thoại cố định đã phủ tới 100% các xã, thôn; cơ sở hạ tầng hệ thống mạng chuyển mạch, mạng truyền dẫn, mạng ngoại vi và mạng internet được đầu tư nâng cấp công nghệ, nâng cao dung lượng, mở rộng phạm vi phủ tới cấp xã. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, trong đó 100% cơ quan các cấp đều có mạng LAN, kết nối internet; 100% các sở, ngành, cấp huyện triển khai phần mềm quản lý điều hành TDOffice; số lượng thuê bao viễn thông tăng cao, tăng từ 874 máy năm 1992 lên 90.830 máy hiện nay. Thị trường bất động sản bước đầu hình thành và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn; các hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản từng bước hình thành và phát triển, hiện có 4 sàn giao dịch, số lượng giao dịch 1.617 sản phẩm; số lượng giao dịch qua thị trường trung gian đạt khoảng 3.000 lượt/năm.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2020-2025 tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, bất động sản, vận tải, logistics, thương mại điện tử. Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trụ cột của tỉnh và là ngành kinh tế tổng hợp tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.