Khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong giới trẻ

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh - thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Thuận lần thứ XV năm 2021. Cuộc thi lần này được đánh giá thành công, trong số 72 giải pháp tham gia có 24 giải pháp đạt giải ở các nhóm lĩnh vực: Dụng cụ sinh hoạt gia đình; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học, điện, điện tử.

Cuộc thi diễn trong bối cảnh dịch COVID-19 phải kéo dài thời gian nhận giải pháp dự thi thêm 2 tháng, ảnh hưởng đến kế hoạch của Ban Tổ chức (BTC). Tuy vậy, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của BTC cuộc thi, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ trong triển khai tuyên truyên truyền, phổ biến thể lệ và nội dung cuộc thi nên thu hút được đông đảo học sinh ở các trường học tham gia, số giải pháp dự thi tăng 28% so với cuộc thi lần thứ XIV 2020. Trong các giải pháp dự thi và đạt giải đã xuất hiện những giải pháp có đầu tư chất xám. Nhiều giải pháp mang tính thực tiễn cao, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như: Robot lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của tác giải Võ Thanh Minh Nhật, học sinh lớp 12C5, Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn); Trò chơi về thông điệp “5K” trong phòng, chống COVID-19 được thiết kế phầm mềm Scratch của tác giả Trương Nữ Huyền Trang, lớp 12A1, Trường PTDTNT Pi Năng Tắc (Bác Ái).

Ông Lê Kim Hùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, kiêm Trưởng BTC cuộc thi, cho biết: Thông qua cuộc thi cho thấy, tiềm năng sáng tạo của giới trẻ ở tỉnh ta rất lớn. Tuy vậy, để khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi em học sinh cần có sự quan tâm của nhà trường và toàn xã hội. Thực tế, nơi nào có có lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo, cán bộ Đoàn năng động nhiệt tình và có sự hướng dẫn của giáo viên thì nơi đó có phong trào tốt. BTC tuyên dương Trường THPT Trường Chinh làm tốt công tác vận động, hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi. Nhà trường thường xuyên đẩy mạnh các phong trào thi đua để nâng cao chất lượng giáo dục. “Học đi đôi với hành” là phương châm mà nhà trường luôn hướng đến trong hoạt động giáo dục. Mỗi thầy, cô giáo ở các môn học đều hướng học sinh biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Các cuộc thi khoa học kỹ thuật đều trở thành sân chơi và là cơ hội để các em thể hiện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. Năm nào học sinh của nhà trường cũng tham gia Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và giành được nhiều giải thưởng.

Theo đánh giá của BTC, cuộc thi đạt mục tiêu là khơi dậy và phát huy khả năng tư duy, tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường cho thanh - thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh phát huy năng lực sáng tạo, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: Một số lãnh đạo ở các cơ sở giáo dục chưa thực sự quan tâm trong việc chỉ đạo triển khai cuộc thi. Đối tượng tham gia phần lớn là học sinh bậc THPT và TH, còn bậc THCS số học sinh tham gia còn khiêm tốn (chỉ có 9 giải pháp trong tổng số 72 giải pháp dự thi). Nhiều giải pháp của học sinh TH còn mang tính phong trào; tính mới, tính sáng tạo chưa rõ nét. Một số giải pháp chỉ mới dừng lại ở dạng mô hình tĩnh, chưa đầu tư thành sản phẩm, bản mô tả sơ sài, chưa nêu được tính mới, tính sáng tạo và hiệu quả giải pháp.

Để cuộc thi lần sau thành công hơn, BTC đề nghị lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch cuộc thi để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện phát huy tiềm năng sáng tạo trong lực lượng thanh - thiếu niên, nhi đồng. Các trường THPT, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần sớm thành lập câu lạc bộ sáng tạo trẻ và vận động xã hội hóa kinh phí để hỗ trợ học sinh có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo khoa học công nghệ.