Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng

Nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng tiếp tục giai đoạn 2: Năm 2021-2025 theo Quyết định 1438/QĐ-TTg ngày 29-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch số 5591/KH-UBND ngày 27-12-2018 của UBND tỉnh tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 100% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Ninh Thuận.

Bên cạnh đó các cơ quan, ban, ngành cũng đang phấn đấu đến năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng như: chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, phục hồi chức năng, giáo dục nghề nghiệp, tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em khuyết tật để trẻ em khuyết tật được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng, trong đó tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong việc cung cấp các dịch vụ toàn diện về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa có nhiều trường chuyên biệt về chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật. Các Trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật còn ít, và trang thiết bị còn thiếu. Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý, kiến thức về dạng tật và mức độ khuyết tật để nâng cao chất lượng học tập của trẻ. Vì vậy, việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cần sớm được nghiên cứu và hoàn chỉnh để thực hiện đề án có hiệu quả.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, con số này chiếm 7,8% dân số. Trong đó có 2.264.000 trẻ khuyết tật chiếm 28,3% tổng số người khuyết tật. Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống về vật chất và tinh thần, nên rất cần đến sự quan tâm và chăm sóc của Nhà nước và xã hội như trẻ bình thường để các em có điều kiện phát triển thể chất và học tập.

Riêng tỉnh Ninh Thuận, năm 2018 toàn tỉnh có 173.722 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 1.061 trẻ em khuyết tật được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ; 100% trẻ em khuyết tật được hỗ trợ Bảo hiểm y tế, được tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm và giúp trẻ khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phục hồi chức năng. Trong thời gian qua, tỉnh ta luôn chú trọng phát triển xây dựng mạng lưới trợ giúp trẻ em tại cộng đồng: có 28 cộng tác viên công tác xã hội tại các xã, phường, thị trấn làm công tác đánh giá các vấn đề liên quan đến trẻ khuyết tật như khó khăn trong cuộc sống, khó khăn trong hòa nhập tại nhà trẻ, khó khăn trong học tập,… và trợ giúp trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, phục hồi chức năng, giáo dục nghề nghiệp, tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em và hòa nhập cộng đồng. Có 6 cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tập trung 21 trẻ em khuyết tật không có nguồn nuôi dưỡng; 3 cơ sở dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng và giáo dục hướng nghiệp cho 180 trẻ em khuyết tật... Qua đó, góp phần giúp trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng, nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng.

Tiếp tục giai đoạn 2 của Đề án tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng dành cho trẻ khuyết tật cần nhận được sự quan tâm, trợ giúp nhiều hơn nữa, từng bước hoàn thiện các chính sách để cho trẻ khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, tự tin hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.