Thị trường và Tài chính

* Giá vàng thế giới giảm hơn 2% phiên 3/6

Giá vàng thế giới đã giảm tới 2,3% vào ngày 3/6 khi dữ liệu về việc làm và dịch vụ của Mỹ tốt hơn dự kiến đã giúp đồng USD tăng mạnh và làm gia tăng kỳ vọng rằng số liệu kinh tế mạnh mẽ có thể dẫn đến các cuộc thảo luận về việc thắt chặt chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên giao dịch này, giá vàng giao ngay lùi 1,9% xuống 1.871,91 USD/ounce. Trong phiên giá vàng có lúc trượt xuống 1.864,39 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 20/5. Giá vàng kỳ hạn cũng mất 1,9%, xuống còn 1.873,30 USD/ounce.

Tại thị trường Hà Nội, chiều 3/6 Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,7 - 57,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 350 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra./.

* Tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 4/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.138 VND/USD, tăng 7 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.832 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.443 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, giá đồng USD tăng nhẹ, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm.

Giá đồng NDT tại BIDV được niêm yết ở mức 3.547 - 3.651 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 12 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm hôm qua.

* Giá dầu thế giới biến động nhẹ phiên 3/6

Sau hai phiên tăng giá liên tiếp, giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch 3/6, sau số liệu cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh nhưng lượng nhiên liệu dự trữ lại tăng nhiều hơn dự đoán.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4 xu Mỹ xuống 71,31 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Trong khi đó, giá dầu kỳ hạn giảm 2 xu Mỹ và đóng phiên ở mức 68,81 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng lên trong những phiên gần đây trước nhiều dự đoán, trong đó có cả dự báo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, rằng nhu cầu dầu sẽ vượt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.

Một yếu tố nữa hỗ trợ giá dầu là sự chậm trễ trong đàm phán giữa Mỹ và Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân của Tehran, từ đó làm giảm những đồn đoán về việc nguồn cung dầu từ Iran sẽ quay lại thị trường trong năm nay.

* Dành 1.570 tỷ đồng hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện đợt 3

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ước tính số tiền hỗ trợ giảm giá bán điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng để tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19 đợt 3 khoảng 1.570 tỷ đồng.

Cụ thể, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch khoảng 1.470 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT) và số tiền hỗ trợ giảm tiền điện cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỷ đồng.

Ngày 02/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho các khách hàng sử dụng điện.

Căn cứ Nghị quyết số 55/NQ-CP của Chính phủ và văn bản số 3163/BCT-ĐTĐL ngày 03/6/2021 của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho các khách hàng sử dụng điện, EVN thực hiện phương án giảm giá bán điện, giảm tiền điện cho các khách hàng

Cụ thể, EVN giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, EVN giảm tiền điện (giá trị trước thuế) trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 không thu phí, mua điện từ Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực thuộc EVN và các đơn vị bán lẻ điện. Mức giảm tiền điện 100% cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

EVN sẽ không thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đối với các cơ sở phục vụ phòng, chống bệnh COVID-19 thu phí cách ly y tế tập trung được quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền đợt 3 cho khách hàng sử dụng điện là 7 tháng từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12 năm 2021.

Danh sách các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 không thu phí được giảm tiền điện do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực.

Sau thời gian hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện theo quy định, từ kỳ hoá đơn tháng 1/2022 trở đi áp dụng giá bán điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.