Cảnh giác với chiêu lừa chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng

Thời gian gần đây, nổi lên một số đối tượng có những thủ đoạn khá tinh vi để lừa đảo thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng.

Mới đây, ngày 15-3, chị Chamaléa Thị Hạng ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính (Bác Ái) đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện để chuyển tiền cho đối tượng tên Nguyễn Thị Dung chưa rõ địa chỉ, để lo thủ tục cho người nhà là Chamaléa Thị Lén đang đi làm tại Ả-rập Xê-út về nước. Phát hiện có dấu hiệu khả nghi, giao dịch viên ngân hàng đã dò hỏi và tư vấn cho khách hàng không nên chuyển tiền. Tuy nhiên, chị Hạng vẫn có yêu cầu thực hiện việc chuyển tiền. Trước hình hình trên, giao dịch viên đã liên lạc, mời cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đến ngân hàng để xác minh rõ thông tin, giải thích thêm cho khách hàng nên đã kịp thời ngăn chặn, không để chị Hạng chuyển số tiền 10,5 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo.

Ông Trần Quý Dương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết: Chị Chamaléa Thị Lén (sinh năm 1987), xuất cảnh ngày 7-2-2019, hiện còn 3 tháng nữa mới hết hạn hợp đồng lao động. Nắm được tâm lý người dân lo lắng tình hình dịch COVID-19, muốn được về nước sớm nên các đối tượng đã móc nối liên lạc với gia đình đề nghị chuyển tiền vào tài khoản để lo thủ tục được ưu tiên về nước sớm. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình, hiện không có thông tin chính thức nào về việc tổ chức đường bay từ Ả-rập Xê-út chở công dân về Việt Nam cả. Những người lao động tại đây, khi hết hạn hợp đồng đều được nước sở tại cho tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc nếu có nhu cầu. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 100 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các nước: Ảrập-xê út, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc. Nhằm nêu cao cảnh giác cho người dân, Phòng đã có văn bản tham mưu cho UBND huyện thông báo cho các xã và người dân cảnh giác, tránh trường hợp bị lừa tương tự.

Cũng bằng thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, thời gian vừa qua, các đối tượng thường sử dụng những đường link hoặc là những phần mềm để yêu cầu khách hàng kích vào, rồi sử dụng mã OTP của thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng để chuyển tiền vào trong đó. Sau khi kích vào thì các đối tượng này xâm nhập vào tài khoản của khách hàng để rút tiền.

Theo thông tin của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng giả mạo cán bộ, nhân viên ngân hàng và đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân như số thẻ căn cước công dân, CMND, sổ hộ khẩu với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Yêu cầu nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Hoặc chúng sẽ tự xưng là cơ quan công an và thông báo cho chủ tài khoản rằng đã bị xâm nhập trái phép, bạn cần cung cấp số tài khoản, mật khẩu và OTP để cán bộ tiến hành điều tra và tìm cách xử lý. Cuối cùng đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền.

Trước những thủ đoạn mới của tội phạm, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng, các ngân hàng đã cảnh báo tới người dân và khách hàng nếu có yêu cầu cung cấp thông tin, người dân cần cảnh giác, xác định chính xác thông tin của người liên hệ. Không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo yêu cầu chuyển tiền, người dân cần liên hệ ngay với tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ hoặc cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.