Tiêm vaccine - một biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch COVID-19

Trải qua hơn một năm ứng phó với đại dịch COVID-19 với nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa, đeo khẩu trang…, thế giới nhận thức được rằng, thúc đẩy tiêm vaccine là một trong những biện pháp cần thiết và hữu hiệu nhất nhằm khống chế và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn virus SARS-CoV-2.

Các trường hợp mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) lần đầu tiên được ghi nhận ngày 29-12-2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 31-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 121 triệu ca mắc và hơn 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nặng nề và ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Trải qua hơn một năm ứng phó với đại dịch, nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa, bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay xịt khuẩn… đã được triển khai trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, làn sóng lây lan vẫn tiếp diễn với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Theo dự báo của WHO, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới. Song song với việc tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt nêu trên, các nước đều nhận thức được rằng thúc đẩy tiêm phòng vaccine là một trong những biện pháp cần thiết và hữu hiệu nhất nhằm khống chế và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn virus SARS-CoV-2. WHO cho biết khoảng 70% dân số toàn cầu nên được tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 được bắt đầu tiến hành từ cuối năm 2020 và hiện đã có hơn 312 triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm chủng với ít nhất một liều. Tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên 7,4 triệu lượt tiêm mỗi ngày trong tuần qua so với 4,4 triệu lượt tiêm chủng hàng ngày vào thời điểm cuối tháng 2-2021. Israel hiện là nước có tỷ lệ dân được tiêm vaccine COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 60% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Đứng thứ hai là Anh (36%), tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (35,2%), Chile (25,9%), Mỹ (21,3%)…

Tuy nhiên, trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn cầu, phải thừa nhận một thực tế là những nước có tốc độ tiêm chủng vaccine cao đều là những quốc gia phát triển. Kết quả nghiên cứu của tổ chức phân tích Economist Intelligence Unit (EIU) cho thấy các nước như Anh, Mỹ, Israel và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được “độ bao phủ tiêm ngừa diện rộng” và hoàn thành tiêm chủng cho hầu hết dân số vào cuối năm 2021. Nhóm các nước phát triển còn lại theo sau sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng vào năm 2022. Trong khi đó, EIU cũng đưa ra cảnh báo rằng 84 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không có đủ vaccine COVID-19 cho đến năm 2023 và vấn đề thiếu hụt vaccine sẽ kéo dài trong vài năm nữa.

Từ ngày 24-2 vừa qua, sáng kiến phân phối vaccine COVID-19 toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc mới bắt đầu phân phối những lô vaccine đầu tiên tới các nước đang phát triển; trong đó, Ghana là quốc gia đầu tiên tiếp nhận lô 600.000 liều vaccine theo cơ chế này. Dự kiến đến cuối tháng 5 tới, sẽ có 237 triệu liều vaccine được phân phối tới 142 nước tham gia chương trình này. Điều này mở ra niềm hy vọng cho các nước phát triển, nhưng với nguồn cung vaccine còn hạn chế trong khi phải đảm bảo phân phối công bằng cho rất nhiều nước, các nước đang phát triển sẽ vẫn bị tụt xa trong chương trình tiêm chủng và vẫn phải duy trì các biện pháp đối phó với dịch bệnh trong thời gian dài.

Mặc dù các vaccine phòng COVID-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả song theo các nhà khoa học, vẫn cần có thêm các nghiên cứu trong năm 2021 để xác định vaccine có thời gian bảo vệ bao lâu, liệu có cần liều tăng cường hay không, có hiệu quả như thế nào ở trẻ em và tác động của nó đối với sự lây truyền của virus SARS-CoV-2. Giới chuyên môn cũng khuyến cáo cho đến khi các nước đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cao thông qua tiêm chủng, những biện pháp phòng chống bệnh dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay; cải thiện hệ thống thông gió trong nhà; tăng cường các biện pháp ứng phó với ổ dịch, bao gồm xét nghiệm, truy vết và cách ly… vẫn cần phải được duy trì. Đại dịch COVID-19 chỉ có thể được kiểm soát tốt ở khắp nơi trên thế giới nhờ sự hợp tác toàn cầu trong việc kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh kể trên song hành cùng nỗ lực tiêm chủng tới mọi người dân.

Theo TTXVN