Nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020
Sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, giới chức Trung Quốc đã phải đóng cửa hơn một nửa đất nước để nỗ lực kiểm soát sự lây lan. Diễn biến này đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm 6,8% trong quý đầu tiên của năm, trước khi quay trở lại xu hướng tăng trưởng trong quý thứ hai. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý II-2020, kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,2%. Số liệu của NBS cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã mở rộng 4,4% trong quý II-2020, khi các nhà máy đẩy mạnh sản xuất giữa lúc đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Các chỉ số như thu ngân sách, ngoại thương và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng phục hồi đáng kể, đặc biệt là trong tháng 6.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong quý III, sau khi vượt qua cú sốc COVID-19 khi khu vực dịch vụ duy trì đà phục hồi. Cụ thể, theo NBS, kinh tế Trung Quốc trong quý III-2020 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với mức tương ứng 3,2% của quý II.
Bất chấp những tác động từ đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 11 vẫn phục hồi mạnh mẽ, với chi tiêu tiêu tiêu dùng tăng trưởng vững vàng và sản lượng công nghiệp cùng đầu tư tăng nhanh hơn dự kiến. Ngày 15-12, NBS cho biết doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 11-2020 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh người tiêu dùng “nối lại” hoạt động chi tiêu khi dịch COVID-19 phần lớn được kiểm soát. Cũng bất chấp các yếu tố không chắc chắn về môi trường bên ngoài, thương mại hàng hóa nước ngoài của Trung Quốc trong 11 tháng của năm 2020 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đại lục, trên thực tế, cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động chế tạo tại Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm. NBS cho biết Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo đã tăng từ mức 51,4 trong tháng 10 lên 52,1 trong tháng 11. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9-2017. Ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc đang dần hoạt động trở lại như mức trước đại dịch COVID-19, sau khi các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào đầu năm nay. Số liệu công bố cũng cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tăng nhẹ lên 7%, cao hơn so với mức 6,9% của tháng trước.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Các chỉ số kinh tế khác từ thương mại đến giá sản xuất đều cho thấy lĩnh vực công nghiệp sẽ tăng trưởng hơn nữa. Thêm vào đó, hoạt động mua sắm bùng nổ trên các sàn thương mại điện tử trong tháng 11 ở Trung Quốc, nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, cũng giúp củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã giảm xuống 5,3% trong tháng 11. NBS cho biết thêm hơn 10 triệu việc làm mới ở thành thị đã được tạo ra trong năm nay, đáp ứng mục tiêu của Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Nomura dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng đạt mức tăng trưởng 5,7% trong quý IV-2020 và đạt mức tăng trưởng khoảng 2% trong cả năm. Dù là mức yếu nhất trong hơn ba thập kỷ song vẫn mạnh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, vốn đang vật lộn để kiểm soát sự bùng phát các ca lây nhiễm COVID-19 mới. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong cả năm nay. Điều này khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế phát triển duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có được là nhờ chiến lược kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và hoạt động xuất khẩu bền vững. Nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống lại cú sốc do đại dịch gây ra, nước này đã đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm gia tăng chi tiêu, giảm thuế và hạ lãi suất cho vay cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để vực dậy nền kinh tế và hỗ trợ việc làm. Bên cạnh đó, cải cách cơ cấu để thúc đẩy thị trường và cạnh tranh cũng giúp kích thích đầu tư tư nhân và tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất.
Triển vọng lạc quan cho năm 2021
Dù trải qua một năm 2020 đầy biến động song kinh tế vẫn phục hồi mạnh mẽ, năm 2021 nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục có triển vọng lạc quan.
Hướng đến năm 2021, một viễn cảnh mới sẽ mở ra khi Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và các Mục tiêu dài hạn đến năm 2035. Trong đó, những khía cạnh sau đây có thể cung cấp nhận định về một nền kinh tế đang phát triển trong thời đại đầy biến động.
Tại Trung Quốc, mùa Đông đến đi kèm với sự cảnh giác cao về nguy cơ xảy ra một đợt lây nhiễm COVID-19 mới. Chính vì thế, chính phủ đã bắt đầu lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm. Điều này đã khiến những quan ngại về nguy cơ phong tỏa nền kinh tế một lần nữa lắng dịu xuống.
Kết quả là, các dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong quý đầu tiên của năm tới. Trong cả năm 2021, IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 8,2%, trong khi WB đưa ra con số 7,9%. Đây là một những mức tăng trưởng cao trên thế giới trong năm 2021, nhờ các biện pháp kích thích tài khóa, tiêu dùng và dịch vụ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng thu nhập và các hiệu ứng cơ bản tốt hơn.
Năm 2021 sẽ tiếp tục chứng kiến cam kết đổi mới của Trung Quốc. Đây được coi là một động lực tăng trưởng chính đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương ngày 18-12 vừa qua. Tại hội nghị này, Trung Quốc đã quyết định tăng nhu cầu trong nước nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Theo lộ trình này, Trung Quốc sẽ không chỉ chuyển đổi kinh tế mà còn nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ nội địa và hỗ trợ tăng cường xuất khẩu của các nước, tạo ra những cơ hội tốt cho các doanh nghiệp quốc tế ở thị trường Trung Quốc và mở ra cơ hội cho họ hưởng các lợi ích từ thị trường nội địa của nước này.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến năm 2021, Trung Quốc ước tính đóng góp hơn 1/3 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài sự phục hồi kinh tế ổn định, đóng góp của nước này còn đến từ quyết tâm mở cửa nền kinh tế ở cấp độ cao hơn và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn.
Theo TTXVN