Xã nông thôn mới Hộ Hải vui đón giáng sinh

Xã Hộ Hải (Ninh Hải) có dân số trên 13.000 người, trong đó có trên 98% theo đạo Thiên chúa, sinh sống ở 4 thôn: Đá Bắn, Lương Cách, Hộ Diêm và Gò Gũ. Từ khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2016, Hộ Hải đã có thêm động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt trong năm nay, để nâng cao chất lượng xây dựng NTM, Hộ Hải tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và phát triển các mô hình sản xuất mới.

Là xã thuộc vùng đồng bằng ven Đầm Nại, Hộ Hải có tổng diện tích tự nhiên 1.211 ha, trong đó riêng đất nông nghiệp có 832,11 ha, chiếm 68,7%. Với đặc điểm kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, dù trong điều kiện còn khó khăn do hạn và đại dịch COVID-19, nhưng nhờ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lợi thế của địa phương, diện mạo nông nghiệp và nông thôn ở đây tiếp tục chuyển biến mới, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Nếu năm 2019 thu nhập bình quân của người dân Hộ Hải là 39,5 triệu đồng/người/năm thì dự kiến cuối năm nay đã nâng lên 47 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm từ 2,04% xuống còn 1,78%. Để thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí trên, Hộ Hải đã chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, đơn cử gần đây đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp thôn Lương Cách và dự định thành lập thêm HTX nuôi lươn cũng tại thôn. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất mới được người dân hưởng ứng, ở thôn Hộ Diêm, một số đìa nuôi tôm không hiệu quả đã chuyển sang thí điểm mô hình nuôi cá bè với diện tích 1 ha; ngoài ra trong thôn còn có mô hình trồng nấm organic bước đầu hiệu quả.

Theo đồng chí Nguyễn Thái Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Hộ Hải, ngoài phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, xã dự kiến chuyển đổi diện tích 50 ha lúa không hiệu quả dọc theo mương Lê Đình Chinh, thôn Lương Cách, sang trồng nha đam. Đối với 600 ha lúa của toàn xã, để xây dựng cánh đồng lớn, Hộ Hải có kế hoạch nâng chất lượng canh tác, trước hết là thực hiện san phẳng cánh đồng bằng tia la-de. Ở vùng nuôi trồng thủy sản (220 ha) địa phương, sẽ chuyển từ các đìa nuôi tôm không hiệu quả sang phát triển nuôi cá mú, với diện tích 30-50 ha, hiện các chủ hộ nuôi đã được tập huấn kỹ thuật. Song song đó, xã chủ động tổ chức các lớp nghề (nuôi bò vỗ béo, gà thả vườn) cho 50 lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người dân sản xuất và có việc làm ổn định. Từ đầu năm đến nay, Hộ Hải đã giải quyết việc làm cho 450 lao động.

Hộ Hải là xứ đạo với 3 giáo xứ và 1 giáo họ trên địa bàn dân cư các thôn. “Những năm qua, người dân xứ đạo dần dần nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM nên đã hăng hái tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn”- đồng chí Võ Thái Xuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hộ Hải cho biết. Hiện nay, khi đến đây, đi từ Hộ Diêm, Gò Gũ sang Lương Cách, Đá Bắn, chúng tôi nhìn thấy thôn nào cũng có đường nội thôn tráng bê-tông bằng phẳng, các công trình công cộng xây dựng khang trang. Theo Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia NTM xã Hộ Hải, về hạ tầng giao thông, từ nguồn vốn chương trình trong năm 2020 đã thực hiện bê-tông khoảng 2 km đường nông thôn (kinh phí 1,8 tỷ đồng); đến nay toàn xã đã cơ bản cứng hóa gần hết đường trục thôn và đường liên thôn, hiện chỉ còn bê-tông một số tuyến đường nhánh thôn Đá Bắn là hoàn chỉnh. Hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương nội đồng và đường nội đồng, phần lớn được kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu cho việc trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và vận chuyển nông sản.

Vườn hoa mi-ni và bích họa kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường ở cổng thôn Hộ Diêm (Hộ Hải).

Trở lại đây vào những ngày đón lễ Giáng sinh, chúng tôi ghi nhận không khí thanh bình của xứ đạo này. Ở bức tường nhà Bưu điện xã, gần cổng chào thôn Hộ Diêm có thể nhìn thấy các bức bích họa trang trí dài khoảng 30 m, kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường; dưới chân bức tường là vườn hoa nhỏ khoe sắc, nơi cách đây không lâu còn là chỗ tập kết rác thải của khu dân cư. Theo những người dân địa phương, một số điểm trước kia như khu vực gần Đài tưởng niệm liệt sĩ, rác luôn dồn đóng, giờ thì đã được dọn sạch sẽ. Dọc bờ kè Đầm Nại, các lốp xe cũ vứt dưới nước đã được di chuyển tất cả vào bờ. Tại gần Trạm quản lý nước sinh hoạt, vùng đất trũng ngập nước tù đọng đang được lấp đất lại, dự kiến sẽ trồng hoa cải tạo thành công viên nhỏ. Ở thôn Đá Bắn, nhân dân hưởng ứng tham gia trồng 400 cây xanh. Kết quả trên có vai trò đóng góp không nhỏ của MTTQ và các đoàn thể xã; thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đã xuất hiện nhiều gia đình, cá nhân tiêu biểu, đơn cử như hộ ông Nguyễn Quốc (thôn Gò Gũ), hộ bà Phan Thị Xuân Láng (thôn Lương Cách)…

Theo đồng chí Nguyễn Thái Vinh, để người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, xã còn thông qua 9 camera an ninh lắp đặt trên các tuyến đường chính, giám sát và phát hiện, nhắc nhở những người vi phạm. Năm nay, dù còn phải khắc phục khó khăn, song phấn khởi với thành quả đạt được, bà con giáo dân Hộ Hải đang hồ hởi đón mùa giáng sinh vui vẻ, an lành.